Thực hiện nghiêm Quy định 41-QĐ/TW để giải quyết dứt điểm tình trạng cán bộ sai phạm, yếu kém

(VOH) - Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã mở ra một hướng giải quyết số cán bộ yếu, kém cũng như việc từ chức, miễn nhiệm đối với những cán bộ có sai phạm.

Từ lâu, trên các diễn đàn như các buổi thảo luận của Đại biểu Quốc hội, cụm từ “văn hóa từ chức” được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện “từ chức” vẫn trên tinh thần tự giác là chính. 

Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW (Quy định 41) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã mở ra một hướng giải quyết cho số cán bộ yếu, kém cũng như việc từ chức, miễn nhiệm đối với những cán bộ sai phạm.

Thực hiện tốt quy định về việc miễn nhiệm, từ chức để sàng lọc đội ngũ cán bộ
Thực hiện tốt quy định về việc miễn nhiệm, từ chức để sàng lọc đội ngũ cán bộ.

Trong bộ máy chính quyền, không phải bất cứ người lãnh đạo, cán bộ nào cũng đều giỏi hay lúc nào cũng làm tốt, không sai sót. Do đó, việc từ chức hay miễn nhiệm là bình thường và thậm chí đó là nét “văn hóa", phù hợp với “lẽ tự nhiên” trong quá trình phát triển của xã hội.

Cần tuyên truyền rộng rãi để dư luận không có cái nhìn quá nặng nề đối với người từ chức hay miễn nhiệm.

Hiện nay, tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn xuất hiện vài nơi, vài lĩnh vực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngăn cản sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Lâu nay, trong bộ máy ở các cấp vẫn tồn tại tình trạng vì kiêng nể, sợ mất lòng, sợ bị trù dập, nên cấp dưới không dám nhận xét, phê bình trung thực, khách quan đối với cấp trên. Do đó, một số cán bộ lãnh đạo dù năng lực kém, mức độ hoàn thành nhiệm vụ không cao nhưng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ hàng năm. Số cán bộ này ở góc độ nào đó là "lực cản" cho sự phát triển của đất nước.

Nếu một cán bộ được giao chức vụ, quyền hạn dù có sai phạm hay làm việc làng nhàng cũng không bao giờ bị miễn nhiệm hay từ chức thì điều đó sẽ tạo "tiền đề" cho các cán bộ khác mang tư tưởng cứ “sống lâu lão làng”, cứ làm việc cốt vừa lòng cấp trên để giữ mối quan hệ.

Dạng tư tưởng này làm cán bộ ngày càng coi thường nhiệm vụ được giao, có thái độ ỷ lại, không tự học hỏi, hoàn thiện, không thực sự làm việc vì quần chúng và đặc biệt đối với người đứng đầu sẽ dễ tiến dần đến việc suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống và không sớm thì muộn dễ dính đến tiêu cực không ít thì nhiều.

Thực tế cho thấy, đã có trường hợp việc làm của cán bộ khiến nhân dân bất bình nhưng việc xử lý không thỏa đáng khiến niềm tin của quần chúng giảm sút. Đã có cán bộ “lọt” qua các lần sai phạm khi còn ở cấp dưới và cứ thế được bổ nhiệm cao dần để rồi khi đã “nhúng chàm” quá đậm, vụ việc vở lỡ, thì sai phạm quá nặng nề, phải bị xử lý hình sự.

Đến nay, nhìn tổng thể, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều. Nhiều cán bộ trong đó có một số cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường. Cũng có trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…  

Đừng nghĩ việc từ chức hay miễn nhiệm cán bộ vì có sai phạm hay giảm sút uy tín sẽ làm mất uy tín của Đảng mà ngược lại chính việc từ chức hay miễn nhiệm các cán bộ này càng làm tăng thêm uy tín cho Đảng. Người dân sẽ thấy và đồng tình, cũng như sẽ là gương cho cán bộ, đảng viên đi sau mà tránh.

Quy định 41 đã rất nhân văn khi đưa ra những quy định có tình có lý. Thực tế, một người khi không đủ điều kiện để đảm nhiệm một vị trí mà trước đó họ đảm nhận thì được giải quyết từ chức nhưng không có nghĩa là họ không còn cơ hội ở vị trí khác. Sau khi từ chức, cán bộ có thể vẫn được bố trí vị trí mới thấp hơn so với vị trí trước đó.

Đồng thời, nếu đã từ chức, được bố trí công tác khác và được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử trở lại. Đây là quy định mới, trước đây chưa đề cập đến, được xem là “lối mở” cho người cán bộ sau khi từ chức, tránh quan niệm đã từ chức là “về vườn”.

Quy định cũng nêu rõ việc không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm. Đây là một trong những nguyên tắc mới. Việc xem xét miễn nhiệm được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Vi phạm những điều đảng viên không được làm; Vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

Đáng chú ý, cả việc miễn nhiệm và từ chức theo qui định 41 phải được xử lý nhanh trong vòng 10 ngày và không kéo dài quá 15 ngày để tránh tình trạng “chạy sai phạm, chạy chức” hay “để lâu cứt trâu hóa bùn” như thực tế đã diễn ra.

đơn xin từ chức
Ảnh minh họa

Một điểm mới nổi bật của Quy định số 41 là căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu.

Theo đó, sẽ miễn nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; Còn trong trường hợp nghiêm trọng sẽ xem xét từ chức.

Đây là điều nhân dân và dư luận quan tâm bởi điều đó cho thấy quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đảng ta luôn coi trong công tác xây dựng đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Qui định 41 thể hiện quyết tâm chính trị cao, là bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp.