Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tiến sĩ Lê Quý Kha: Phải áp dụng sâu rộng các lĩnh vực về công nghiệp 4.0

(VOH) - TS Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam, có nhiều tâm đắc trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất và truy xuất chất lượng nông sản.

Là người làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, tiến sĩ Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, có nhiều tâm đắc trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất và truy xuất chất lượng nông sản. Vì vậy, góp ý cho Dự thảo (lần 2) của Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến sĩ Lê Quý Kha đề xuất mục tiêu đến 2020- 2025 tầm nhìn 2030, không phải là tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà phải áp dụng sâu rộng các lĩnh vực về công nghiệp 4.0.

Tiến sĩ Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam

Tiến sĩ Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam

"Nhằm góp ý cho bản Dự thảo được đầy đủ hơn, với góc nhìn một người làm công tác khoa học nông nghiệp, dựa trên cơ sở khách quan, Tiến sĩ Lê Quý Kha có một số ý kiến như sau:

Phần hạn chế yếu kém: chưa nêu được nguyên nhân và vai trò nhà nước TPHCM trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sản xuất ra. Tức là, chưa thể hiện rõ, nhất là về bên nông nghiệp vai trò của xúc tiến thương mại.

Phần phát triển văn hóa và xã hội, mục chăm sóc sức khỏe nhân dân:  Trong báo cáo đề cập đến mục Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Tôi thấy việc áp dụng công nghệ thông tin như tem QR code (blockchain) vào truy xuất nguồn gốc còn quá chậm so với Thái Lan hay Trung Quốc.

Phần mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng hệ thống chính trị thành phố nhiệm kỳ 2020-2025: trong bối cảnh quốc tế bổ sung thêm vào thành xu thế hình thành thành phố thông minh và nông nghiệp đô thị ngày càng gia tăng. Tại vì, xu thế nông nghiệp trên thế giới rất rõ rệt. Bối cảnh trong nước, phải có số liệu, đó là bổ sung năng suất lao động thấp. Thấp là ở mức nào? Năng suất lao động chúng ta chỉ cao gấp 1,6 lần so với Campuchia, nhưng lại bằng 0,6 lần cho Ấn Độ, 0,55 lần so với Philippines, 0,45 lần so với Indonesia, 0,38 lần so với Trung Quốc, 0,37 lần so với Thái Lan và 0,19 lần so với Malaysia và đặc biệt là bằng 0,07 lần so với Singapore.  

Mục tiêu đến 2020- 2025 tầm nhìn 2030, không phải là tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nữa, mà phải ghi rõ là áp dụng sâu rộng các lĩnh vực về công nghiệp 4.0. Không còn là tận dụng cơ hội nữa.

Bổ sung vào xây dựng thành phố thông minh và nông nghiệp đô thị. Tôi góp ý thêm mục tiêu nữa là phấn đấu trở thành thành phố đáng sống, gần như một số thành phố tiên tiến của khối ASEAN như Kuala Lumpur hay Singapore để chúng ta có mục tiêu phấn đấu. Chúng ta nêu vẫn có vẻ rụt rè, khiêm tốn.

Về các quan điểm và phương hướng phát triển thành phố: tôi cũng nhấn mạnh lại: không phải TPHCM đi đầu trong việc tận dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 nữa, mà là đi đầu trong việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Bổ sung thêm quan điểm là hạ giá thành sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ được ký kết, gắn với chế biến và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, theo chuỗi khép kín từ sản xuất chế biến tiêu thụ có hợp đồng. Cái này rất quan trọng bởi vì chúng ta tránh hiện tượng được mùa được giá bao nhiêu năm.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: chúng tôi thấy rằng, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng đô thị nông thôn mới, bổ sung thêm là tạo nguồn lực để áp dụng tốt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa vật tư nông nghiệp quy trình sản xuất tiêu chuẩn chất lượng lượng chế biến và quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Về hợp tác liên kết vùng: bổ sung tên là tăng cường chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất, từ sản xuất chế biến tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Đấy mới là hợp tác quốc tế.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội: bổ sung thêm hình thành trung tâm dữ liệu lớn của thành phố. Một số thành phố như: Thượng Hải hay Băng Cốc, Malaysia hay Indonesia...đang tập trung xây dựng thành những trung tâm dữ liệu lớn (Big data), đang rất nỗ lực, trong khi đó, chúng ta chưa quan tâm đúng mức.

Xây dựng thành phố thông minh nên thêm mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn.

Về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền nâng cao chất lượng công tác dân vận: mục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp, tôi đề nghị tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm minh bạch hóa, công khai hóa các thủ tục. Cái này rất quan trọng, bởi vì tất cả các thành phố tiên tiến trên thế giới người ta trở nên văn minh là vì người ta áp dụng công nghệ, không có chủ quan của con người can thiệp vào.

Phần 4 chương trình phát triển đô thị thông minh đô thị thành phố Hồ Chí Minh 2020 và tầm nhìn 2030: chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố Hồ Chí Minh thì tôi đề nghị cấp trên bổ sung đề án thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ vật tư quy trình sản xuất đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quá trình tiêu thụ hàng hóa bằng điện thoại thông minh. Nếu như chúng ta làm được kế hoạch chương trình chi xuất bằng điện thoại thông minh và phổ biến toàn dân thì sẽ giảm thiểu tối đa hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Tức là áp dụng công nghệ vào đây thì chúng ta sẽ giảm bớt được lực lượng thanh tra kiểm soát. Yêu cầu toàn xã hội áp dụng công nghệ vào thì mọi người sẽ phải áp dụng và giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực."

Bình luận