Từ tình cảm dành cho Bác biến thành hành động xây dựng phát triển đất nước

(VOH) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Tên tuổi và sự nghiệp của Người luôn còn mãi với non sông đất nước…

Chính những di sản văn hóa - chính trị - xã hội - lịch sử cùng với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đã, đang và sẽ đóng vai trò nền tảng quan trọng cho mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vận động, phát triển.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, VOH phỏng vấn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng xung quanh những giá trị nhân văn sâu sắc từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ tình cảm dành cho Bác biến thành hành động xây dựng phát triển đất nước 1
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

*VOH: Thưa ông, nhắc đến những di sản quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thì sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 mang ý nghĩa, giá trị lịch sử ra sao trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Ngày 5/6/1911 là một cột mốc lịch sử quan trọng, khởi đầu quá trình tìm một con đường đấu tranh giải phóng chân chính để mang lại nền độc lập cho dân tộc, chống lại ách đô hộ chủ nghĩa thực dân. Người khởi xướng đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tức là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.

Chuyến ra đi đó cuối cùng thì Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cách mạng chân chính khi năm 1920, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác - Lênin con đường đấu tranh giải phóng chân chính cho các dân tộc thuộc địa.

Khi Nguyễn Ái Quốc đọc được bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đó là cột mốc Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường đấu tranh giành độc lập đúng đắn và từ đó con đường đó đã soi sáng cho bước đi của dân tộc.

*VOH: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin ông đánh giá ý nghĩa, giá trị những bài học về tư tưởng, đường lối từ Di chúc của Bác để lại với đất nước, con người Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Về di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta cần phải nhận thức đây là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa sâu sắc và toàn diện trên nhiều vấn đề về lý luận thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Theo tôi, có mấy ý rất quan trọng mà chúng ta cần chú ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất cho tổ quốc. Ý nghĩa của vấn đề này là hiện nay mình phải củng cố vững chắc nền độc lập mà bao nhiêu thế hệ đã đổ máu mới có thể giành lại được, phải củng cố lại độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Vấn đề thứ hai trong Di chúc của Bác đó là xây dựng, phát triển đất nước sau ngày thắng lợi. Bác coi đây là nhiệm vụ rất nặng nề của Đảng, phải có kế hoạch thật tốt để xây dựng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân ở tất cả vùng miền. Trong Di chúc của Bác cũng đề cập đến cuộc sống của tất cả tầng lớp trong xã hội từ công nhân, nông dân đến bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ rồi thanh niên.

Điểm thứ ba là Bác nhấn mạnh vấn đề lớn nhất là con người. Cho nên phải hết sức chăm lo để mà đào tạo, bồi dưỡng con người trong thời đại mới. Tức là phải giáo dục, rèn luyện về đạo đức, lối sống, chăm lo về cuộc sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần và tạo ra được lớp người mới trong thời đại mới.

Vấn đề thứ tư là phải chăm lo xây dựng Đảng. Trong chỉnh đốn Đảng thì Bác nhấn mạnh phải củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải rèn luyện đạo đức cách mạng. Mỗi Đảng viên cán bộ đều phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần - kiệm - liêm - chính, “chí công vô tư”, từ đó mới có thể thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Còn một vấn đề cuối cùng trong Di chúc là Bác rất trăn trở với vấn đề đoàn kết quốc tế. Hiện nay chúng ta đang thực hiện đường lối đối thoại cởi mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đây là nội dung khái quát 5 điểm trong Di chúc của Bác Hồ vận dụng vào công cuộc đổi mới hiện nay.

*VOH: Đề cập chi tiết hơn về vấn đề xây dựng Đảng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, ông nhận định ra sao về nỗ lực của Đảng trong cuộc chiến chống quan liêu, tham nhũng theo đúng tinh thần, chuẩn mực đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Những năm gần đây, Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí. Có thể nói chúng ta đã đạt được nhiều thành công rất tích cực, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân với cuộc đấu tranh này.

Nhưng xét đến cùng thì có thể nói là ta vẫn phải nắm vững tư tưởng của Bác, đó là muốn đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, những biểu hiện lợi ích nhóm hay hư hỏng của cán bộ đảng viên thì phải bắt đầu từ đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Bác Hồ quan niệm chủ nghĩa cá nhân là loại “vi trùng” độc hại mà từ đấy phát sinh ra nhiều căn bệnh tiêu cực khác trong Đảng, trong xã hội.

Bản thân Bác Hồ là một tấm gương về tự tu dưỡng, rèn luyện. Để có được chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh như hôm nay chúng ta học thì Bác đã dày công tự tu dưỡng, rèn luyện.

Soi vào đấy để tự tu dưỡng thì chúng ta mới có thể đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân và có thể đẩy lùi được hết những tiêu cực trong một bộ phận đảng viên hiện nay.

*VOH: Chúng ta có thể nhận thấy sức ảnh hưởng, sự lan tỏa tích cực những di sản về tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các cơ quan Đảng, các cấp, ngành và nhân dân thông qua thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ông có ý kiến như thế nào về thực tế này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả tích cực, không chỉ chuyển biến ngay trong Đảng đâu mà đối với toàn xã hội. Có thể nói việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sự lan tỏa trong xã hội. Không chỉ có cán bộ, đảng viên học Bác mà người dân người ta cũng học theo Bác.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, Đài phát thanh, đài truyền hình đều có những mục học tập và làm theo tấm gương của Bác, như thế ta thấy được tính lan tỏa.

Có rất nhiều tấm gương tốt mà mình chưa nói lên được, hay là chưa giới thiệu một cách rộng rãi được nhưng về mặt thầm lặng thì rất nhiều người dân, các tầng lớp nhân dân người ta kính yêu Bác.

Đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, tức là từ tình yêu đối với Bác, tôn kính đối với Bác nhưng phải biến thành hành động để có thể xây dựng, phát triển đất nước tốt hơn. Mỗi người phải làm sao sống tốt hơn, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, mọi người, vì cộng đồng để tạo ra những chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội ngày càng hoàn thiện hơn.

*VOH: Xin cảm ơn ông.