Xe ô tô mất lái, xử lý sao cho an toàn ?

(VOH) - Xe ô tô mất lái chính là nguyên nhân gây tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất.

Mất lái, vì sao ?

Có rất nhiều nguyên nhân lý giải xe ô tô bị mất lái, có thể vì yếu tố khách quan hoặc yếu tố chủ quan. Thông thường người ta chia nguyên nhân xe ô tô mất lái làm 2 nhóm chính: người lái mắc sai phạm trong kỹ thuật lái xe hoặc sự cố liên quan đến trục trặc kỹ thuật xe.

Xe ô tô mất lái, xử lý sao cho an toàn ? 1
Ảnh minh họa một trường hợp mất lái

Xe ô tô mất lái do kỹ thuật lái xe phổ biến là không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, đạp nhầm chân ga với chân phanh, vào cua bị thiếu lái hoặc thừa lái, không kiểm soát tốt khi xe đi qua đường trơn trượt…

Xe ô tô bị mất lái do trục trặc kỹ thuật xe thường gặp là đường trơn, xe bị mất thắng, xe bị lệch tay lái, thước lái bị lệch, nổ lốp đột ngột, một chi tiết quan trọng trong hệ thống lái hoặc trong hệ thống vận hành bị hỏng hóc, mắc kẹt…

Cách xử lý khi xe bị mất lái

Việc đầu tiên người điều khiển xe cần nhớ khi không may rơi vào trường hợp mất lái là “tính mạng con người là trên hết”. Dựa trên nguyên tắc này, mọi biện pháp xử lý khi xe mất lái đều tập trung vào việc hạn chế thương vong nhất có thể.

Xe ô tô mất lái, xử lý sao cho an toàn ? 2
Hãy giữ bình tỉnh và tự tin mình có thể kiểm soát được tình huống

Trước hết, bạn cần cố gắng giữ bình tĩnh.

Sự bình tĩnh giúp người điều khiển xe nắm bắt chính xác tình hình, từ đó đưa ra phán đoán tốt và xử lý tình huống khéo léo hơn. Vì thế, không nên quá hoảng loạn, hãy cố gắng quan sát một cách bao quát nhất sự vật xung quanh để biết được mình nên làm gì.

Trường hợp xe đột ngột mất kiểm soát:

Một tình huống khẩn cấp, tài xế không có nhiều sự lựa chọn. Điều quan trọng lúc này là giữ bình tĩnh, phản ứng dứt khoát để giảm tối đa thương vong và tổn thất.

- Nếu mặt đường phía trước khô, vắng xe: hãy đạp chân phanh thật sâu và giữ lâu để dừng xe ngay lập tức.

Xe ô tô mất lái, xử lý sao cho an toàn ? 3
Nếu mặt đường trơn ướt cần rà hoặc nhấp phanh để giảm tốc từ từ

- Nếu mặt đường trơn ướt cần rà hoặc nhấp phanh để giảm tốc từ từ, duy trì kiểm soát hướng di chuyển. Bởi nếu đạp phan quá sâu, bánh xe sẽ bị khóa cứng, lực bám ngang không còn xe sẽ bị văng. Cần về số thấp để thắng bằng động cơ.

- Nếu đường nhiều xe hoặc là đường cao tốc, việc đầu tiên cần làm quan sát xung quanh để tìm hướng trống trải; Phối hợp việc nhấp nhả phanh chân, phanh tay, về số để kiểm soát xe.

Nếu có khoảng không an toàn, cần giảm tốc chậm để các xe khác có đủ thời gian phản ứng. Chuẩn bị tâm thế có một cú va chạm.

Nếu khoảng cách với các xe phía sau đã giãn ra, phương án đạp thắng gấp cũng nên được tính tới. Đừng quên phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn, còi để những người tham gia giao thông khác biết. Nếu xe chạy trong đêm cần bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha - cốt liên tục để gây sự chú ý.

Trường hợp vô-lăng xe đột ngột mất trợ lực:

- Khi rơi vào tình huống này, người lái xe vẫn có thể đánh lái nhưng nặng hơn, vì vậy nên cố gắng kềm chặt vô-lăng bằng hai tay để kiểm soát hướng di chuyển. Hạn chế thắng gấp hoặc cho xe chạy tốc độ quá chậm sẽ khiến việc lái bằng tay trở nên khó hơn.

- Giảm tốc từ từ.

- Bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn xin vượt.

- Cẩn trọng đưa xe vào khu vực có thể đỗ an toàn.

Làm gì để hạn chế xe mất lái

Có thể hạn chế hiện tượng xe mất lái với các kinh nghiệm sau đây:

- Cầm vô lăng đúng cách, tư thế ngồi lái xe thoải mái để thể xử lý linh hoạt trong mọi tình huống.

- Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Chạy xe đúng tốc độ quy định, không phóng nhanh vượt ấu gây nguy hiểm. Đặc biệt giữ khoảng cách an toàn với các xe đang di chuyển cùng chiều.

- Giảm tốc độ trước khi chuẩn bị vào cua. Khi vào cua, cần giữ vững tay lái và hết sức cẩn thận. Không đạp ga tăng tốc quá sớm, giảm ga đột ngột hoặc phanh gấp khi đang giữa cua. 

- Khi chạy xe dưới thời tiết xấu, đường nhiều sương mù, đường mưa trơn trượt… người lái nhất định không được chủ quan. Bật đèn đúng quy định và giữ tốc độ chậm. Hạn chế thắng gấp.

Xe ô tô mất lái, xử lý sao cho an toàn ? 4
Cần thận trọng khi điều khiển xe, đặc biệt là ở những khúc cua gắt

Ngoài các kỹ năng lái xe, người điều khiển ô tô còn cần chú ý tình trạng của xe.

Để đảm bảo xe hoạt động trơn tru, không bị gặp lỗi trục trặc cần đưa xe đi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ về động cơ, hộp số, hệ thống lái, hệ thống treo xe, vỏ xe…

Trong quá trình sử dụng xe, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, nhất là ở hệ thống lái như vô-lăng bị rơ, xe bị chao lái, lốp xe mòn không đều, đèn báo lỗi động cơ, đèn báo lỗi hộp số phát sáng… nên đưa xe đi kiểm tra sớm nhất có thể.