Ngày Xuân nói chuyện ẩm thực (P.1): Đưa tinh hoa ẩm thực - đặc sản Việt Nam ra thế giới

(VOH) - Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều khen Ẩm thực Việt Nam ngon, dinh dưỡng và cân bằng các mùi vị.

Trong những năm qua, những món ăn như Phở, Bún chả và Bánh mì được truyền thông quốc tế ca ngợi là niềm vinh dự về ẩm thực cho đất nước. Tuy nhiên, từ đó cũng đặt ra cho những nhà chuyên môn, những người yêu thích ẩm thực thách thức: làm thế nào để đưa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới.

Người mẫu Maria Kalinina (Micka Chu) đến TPHCM sinh sống gần 5 năm nay. Micka gắn bó ở Việt Nam vì yêu thích phong cảnh, khí hậu và lối sống coi trọng gia đình của người Việt.

Cũng như bất kỳ du khách nào khi đến vùng đất lạ, Micka đều tò mò về ẩm thực của nơi đó. Từ thích phở đến bún chả, sau đó lại ghiền thêm món bánh xèo, bún bò.

Bây giờ Micka đều ăn được hầu hết các món ăn ở Việt Nam, ngay cả các món ăn đường phố cũng ngon vô cùng” - Micka hào hứng nói.

Đưa tinh hoa ẩm thực - đặc sản Việt Nam ra thế giới (Bài 1) 1
Bánh xèo – món ăn nổi tiếng ở Nam Bộ có mặt trong danh sách 143 món bánh làm từ bột gạo của Việt Nam.

Anh Nguyễn Thanh Hà -  nhân viên Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Bình Dương rất thích đi du lịch. Cũng như Micka, đến một nước lạ, anh thích thú trải nghiệm ẩm thực nước bạn. Qua đó, anh nhận ra, ẩm thực trong nước có tính quân bình, không thiên về một vị nào và vô cùng đa dạng, phong phú. 

Có lần anh đến Na Uy thăm một người bạn, đây là xứ sở của cá hồi. Món cá hồi xứ bản địa chế biến đơn giản, chủ yếu là làm món cá đút lò. Khi người bạn đem cá hồi chưng với tương hột Việt Nam thì món cá lại trở nên đậm đà và thơm hương vị riêng khiến chính người Na Uy xuýt xoa khen.

Nước người ta nêm món ăn lệch hẳn về vị chua, cay, có nơi vị rất mặn hoặc nhiều dầu, nhiều bơ, ít rau, ăn vài ngày là tôi phát ngán. Trong khi, món ăn Việt Nam vừa có rau củ, vừa có hải sản hoặc thịt, nước chấm ăn riêng từng món.

Món ăn của nước mình ăn vào không gây ngán mà luôn có tính cân bằng không quá ngọt, không quá mặn, không quá béo. Rất nhiều người nước ngoài chưa biết ẩm thực Việt Nam song khi ăn qua thì ai cũng ghiền”, anh Hà kể.

Sự hấp dẫn của món ăn Việt Nam cần được thế giới công nhận để từ đó quảng bá trên phạm vi toàn cầu. Xuất phát từ suy nghĩ này, ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings, đã thành lập ban tổ chức Hành trình tìm kiếm và quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam và dành 10 năm (từ năm 2011 cho đến nay) đi tìm kiếm hàng ngàn món ăn, đặc sản phong phú, đa dạng, mang hương vị đặc trưng riêng của từng vùng, miền để lập hồ sơ kỷ lục.

Một số món ăn - đặc sản Việt Nam đã được các tổ chức Kỷ lục trong khu vực và thế giới vinh danh. Năm 2016, tổ chức này đề cử thành công 3 món ăn Việt Nam vào Top 100 món ăn nổi tiếng thế giới gồm có Bánh mì, Bún chả, Phở. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các món ăn Việt Nam riêng lẻ khi được VietKings thực hiện hồ sơ đề cử xác lập Kỷ lục Thế giới đều không thành công.

Sau nhiều lần chỉnh sửa hồ sơ, Ban tổ chức Hành trình tìm kiếm và quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam đã tiếp cận các tiêu chí, cách thức để tiến hành thiết lập hồ sơ đề xuất Kỷ lục Thế giới của Việt Nam trong lĩnh vực ẩm thực – đặc sản theo từng nhóm, nhằm tích hợp các giá trị tiêu biểu nhất của nền ẩm thực Việt Nam.

Tháng 8 năm 2020, WorldKings-Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức có văn bản thông báo đến Tổ chức Kỷ lục Việt Nam về việc công nhận 05 Kỷ lục Thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam gồm:

Việt Nam - Đất nước sở hữu nhiều món Sợi và Nước hấp dẫn nhất thế giới;

Việt Nam - Đất nước có nhiều món Mắm và các món ăn chế biến từ Mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới;

Việt Nam - Đất nước có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới;

Việt Nam - Đất nước có nhiều món Cuốn đặc sắc nhất thế giới;

Việt Nam - Đất nước có nhiều món Bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.

Tính đến thời điểm được WorldKings xác nhận, Ban tổ chức Hành trình đã thống kê được 164 món ăn từ “sợi và nước” của Việt Nam; hơn 100 món Mắm và các món ăn chế biến từ Mắm của Việt Nam; 272 món ăn làm từ 43 loài hoa của Việt Nam; 103 món cuốn của Việt Nam và 143 món bánh làm từ bột gạo của Việt Nam.

Ông Lê Trần Trường An chia sẻ, thành công có được là do nghiên cứu kĩ thị trường, các món ngon thế giới. “Chúng tôi gần như phải tìm kiếm và nghiên cứu lại toàn bộ thông tin ẩm thực trên toàn cầu của các quốc gia. Từ đó, có cơ sở đưa các món ăn Việt Nam vào đề cử để chắc chắn một điều là Hội đồng Kỷ lục thế giới đánh giá ngay lập tức, không phải đi điều tra lại. Hồ sơ này chúng tôi làm rất công phu. Chúng tôi đã tìm kiếm được những giá trị đặc biệt của Việt Nam như gia vị và nguyên vật liệu nổi trội nhất”.

05 Kỷ lục Thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam còn góp phần định vị những đặc sản chủ đạo của Việt Nam. Từ đó, các đơn vị khác  có thể dựa vào đó để thực hiện các chiến dịch quảng bá ẩm thực Việt Nam ra phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, làm sao để việc quảng bá trở thành một chương trình bài bản thì điều ấy phụ thuộc vào nhiều yếu tố có khách quan, lẫn chủ quan.

Bà Dương Thị Thu Thủy - Trưởng phòng truyền thông - Trung tâm nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam cho biết, với danh sách 05 kỷ lục cần bảo tồn, phát huy theo từng chặng và có lộ trình thì cũng đã thành công.

Thế nhưng, hiện nay để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới chưa nhận được sự quan tâm từ các cấp. Có những đầu bếp trẻ đầy tâm huyết đã đầu tư các kênh truyền thông để quảng bá ẩm thưc Việt Nam song chỉ mang tính cá nhân, chưa phải là đại diện cho quốc gia.

“Chỉ cần nhìn sang nước Thái Lan thì sẽ thấy, câu chuyện quảng bá ẩm thực của nước họ đã bắt đầu  khi cố Quốc vương - người đứng đầu cao nhất nước họ nhìn nhận rằng Thái Lan phải chinh phục bao tử của khách từ thập niên 60 trong khi nước ta chỉ mới bắt đầu quan tâm quảng bá ẩm thực ở đầu thế kỷ 21 này. Như vậy, họ đã đi trước mình 40 năm trong việc xây dựng chiến lược quảng bá văn hóa ẩm thực  ra thế giới”, bà Thủy nhìn nhận. 

Tinh hoa ẩm thực Việt Nam được chính du khách và Hội đồng liên minh kỷ lục thế giới công nhận. Làm sao để phát triển nó xứng tầm lại là hành trình phức tạp vì cần có  sự chung tay của những ngành liên quan như Du lịch, Văn hóa, trong đó cần xác định đơn vị nào đóng vai trò tiên phong làm nhiệm vụ đưa văn hóa ẩm thực nước ta vươn vai với các cường quốc ẩm thực trong khu vực.

Ngày Xuân nói chuyện ẩm thực (P.2): Cần thúc đẩy quảng bá Di sản Văn hóa Ẩm thực Việt.