Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có đến 1,13 tỉ người bị cao huyết áp. Câu hỏi thực sự ở đây là ai - người có nguy cơ trở thành mục tiêu của bệnh?
Theo BS. Nguyễn Lê My - trưởng khoa Nội, bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng phụ thuộc nhiều vào từng trường hợp cụ thể:
Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tăng huyết áp có liên quan mật thiết tới ADN - yếu tố di truyền.
- Ba mẹ đều mắc bệnh: tỉ lệ mắc tăng huyết áp của con cái xấp xỉ 45%.
- Mẹ mắc bệnh: tỉ lệ mắc tăng huyết áp của con cái khoảng 28%.
- Mẹ không mắc bệnh: tỉ lệ mắc tăng huyết áp của con cái khoảng 3%.
Người có gia đình, người thân mắc bệnh tăng huyết áp có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng khó phát hiện. Do đó, cần đo huyết áp thường xuyên ít nhất một tháng một lần nhằm phát hiện bệnh sớm và điều chỉnh sinh hoạt phù hợp.
Từ 35 tuổi trở lên
Người trung niên và người cao tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng tăng. Nhóm đối tượng này cần chú ý đo huyết áp định kỳ, chế độ ăn ít béo và vận động thể dục phù hợp.
Béo phì
Nguy cơ tăng huyết áp và tim mạch của người béo phì cao gấp sáu lần người bình thường. Để giảm tỷ lệ mắc bệnh, người béo phì cần kiểm soát chặt chẽ cân nặng. Thực hiện chế độ ăn hạn chế chất béo, chất bột đường, tăng cường rau xanh và tập luyện thể lực.
Bệnh thận, tim và đái tháo đường
Khi chức năng thận suy giảm, khả năng bài tiết kém đi làm độc tố tích tụ trong cơ thể. Bên cạnh đó, tim suy yếu sẽ gia tăng các bệnh lý tim mạch và liên quan đến tăng áp. Riêng đối với người bị đái tháo đường, nguy cơ tăng huyết áp lên đến 80%.
Do đó phải được kiểm soát chặt chẽ, tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn về điều trị, chế độ ăn uống, chế độ tập luyện hợp lý.
Nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh cao gấp từ 2,5 lần so với người không hút. Ngoài ra còn gia tăng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ cao gấp 3 lần người bình thường.
Nghiện rượu bia
Thường xuyên sử dụng rượu bia gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi dung nạp thức uống có cồn, tim sẽ đập nhanh hơn làm huyết áp tâm thu có xu hướng tăng cao. Đồng thời gây kích thích thận làm ảnh hưởng đến khả năng bài tiết dẫn đến tăng huyết áp.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ, nhiều đường.
Ít vận động thể lực
Phần lớn là những người có tính chất công việc phải thường xuyên ngồi một chỗ. Cơ thể không thể trao đổi chất và bài tiết hiệu quả dẫn đến tuần hoàn máu chậm và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa hấp thu dạ dày. Theo thời gian thể lực dần giảm sút, tỉ lệ tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường càng tăng cao.
Tinh thần căng thẳng
Sức khỏe tinh thần không tốt, thường xuyên ở trạng thái nóng giận chính là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh và quá trình điều tiết của vỏ não mất khả năng tự điều hòa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Do đó cần giải tỏa tâm lý để huyết áp điều hòa ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Lê My
Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.