Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Bệnh còi xương là gì? Phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ

Còi xương và suy dinh dưỡng là 2 bệnh lý khác nhau, tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn 2 căn bệnh này chỉ là một. Vậy làm thế nào để mẹ có thể phát hiện bé đang bị còi xương?

Hiện nay có rất nhiều bà mẹ vẫn đang nhầm lẫn về bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Vậy 2 căn bệnh này khác nhau như thế nào? Giải pháp tốt nhất cho trẻ bị còi xương ra sao?... Bài chia sẻ sau đây từ Bác sĩ chuyên khoa I, Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn.

1. Bệnh còi xương ở trẻ em là gì ?

Theo chia sẻ từ bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, còi xương ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt canxi, vitamin D, photpho làm cho xương bị tổn thương.

Xét về mặt cấu trúc cơ bản thành phần tạo nên xương là canxi (chiếm 99%), do đó khi cơ thể bị thiếu canxi sẽ làm cho xương bị yếu và thay đổi cấu trúc bình thường. Bên cạnh đó, vitamin D cũng đóng vai trò là chất chuyển hóa, hấp thu canxi vào trong xương. Do đó, nếu thiếu 1 hoặc cả 2 chất này thì trẻ sẽ bị còi xương.

1.1. 5 biểu hiện thường thấy của bệnh còi xương ở trẻ em

 Nhìn từ bên ngoài cha mẹ có thể nhận biết được những dấu hiệu trẻ còi xương như:

  • Trẻ có chiều cao thấp hơn so với tuổi.
  • Thóp trẻ lâu đóng (với trẻ bình thường sau 15 tháng thóp sẽ đóng lại hoàn toàn).
  • Một bên đầu của trẻ bị móp, không tròn đều.
  • Tay, chân trẻ bị cong, ngực dô ức gà.
  • Trẻ hay bị giật mình quấy khóc về đêm, răng mọc chậm…

benh-coi-xuong-la-gi-phan-biet-benh-coi-xuong-va-dinh-duong-o-tre-VOH

Bé còi xương thường có dấu hiệu giật mình quấy khóc về đêm (Nguồn: Interenet)

1.2 Nguyên nhân nào dẫn đến còi xương ?

Nguyên nhân chính dẫn đến còi xương ở trẻ chính là do trẻ bị thiếu canxi trong quá trình mẹ mang thai và cho con bú:

  • Với trẻ bú bằng sữa mẹ nhưng mẹ không có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ dẫn đến trẻ bị còi xương.
  • Ở trẻ bú bằng sữa công thức nhưng sữa pha không đúng định lượng hay trẻ uống quá ít thì cũng gây ra còi xương ở trẻ.
  • Với trẻ trong giai đoạn ăn dặm nếu lơ là việc uống sữa thì quá trình còi xương cũng có thể sẽ xuất hiện.
  • Những trẻ bị béo phì, thường xuyên phải kiêng ăn, không uống sữa… dẫn đến hàm lượng canxi trong bữa ăn sẽ thiếu và gây ra chứng còi xương.

Bên cạnh đó, trẻ bị thiếu vitamin D cũng có thể gây ra tình trạng còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vitamin D có nhiều nhất trong ánh nắng mặt trời, nếu trẻ không được cho tắm nắng vào buổi sáng cũng như người mẹ đang cho con bú không tắm nắng cũng sẽ khiến trẻ bị thiếu vitamin D, dẫn đến còi xương.

2. Tác hại bệnh còi xương ở trẻ như thế nào ?

Trẻ bị còi xương ngoài gây ảnh hưởng trực tiếp đến xương thì bé còn gặp phải một số ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh của cơ thể như bé khóc đêm thường xuyên, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm khi ngủ… việc này nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là cân nặng và chiều cao.

Trẻ như thế nào được gọi là suy dinh dưỡng ?

Trẻ bị suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, họat động và tăng trưởng của trẻ.

Mẹ có thể nhận biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không thông qua cân nặng và chiều cao của trẻ:

  • Về cân nặng: Ở  những trẻ được 1 năm tuổi thì cân nặng của bé gái phải đạt được 9 kg và bé trai là 9,5 kg. Nếu cân nặng của trẻ dưới 7,9 kg thì bé đã bị suy dinh dưỡng.
  • Về chiều cao: Trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn bạn cùng trang lứa.

Bác sĩ Yến Thủy nhấn mạnh, còi xương và suy dinh dưỡng là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Có những trẻ bị suy dưỡng có thể sẽ kèm theo còi xương. Nhưng cũng có những trẻ bị còi xương nhưng không hề bị suy dinh dưỡng.

3. Bệnh còi xương có chữa được không ?

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cho biết, bệnh còi xương xuất hiện do việc cơ thể trẻ bị thiếu hụt canxi và vitamin D, do đó nếu muốn điều trị căn bệnh này thì bé cần phải được bổ sung các chất vitamin D và canxi vào cơ thể.

Chúng ta đều biết, nguồn vitamin D dồi dào nhất đến từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối chỉ tạo ra một hàm lượng vitamin D khá thấp.

Lượng ánh sáng chiếu từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều sẽ cung cấp nhiều vitamin D hơn. Nhưng vào thời gian này tia cực tím khá nhiều nên sẽ gây ảnh hưởng đến da, đặc biệt là ung thư da. Do đó, khi cho trẻ tắm nắng các mẹ cần chú ý đến thời điểm an toàn, để tránh việc làm tổn thương làn da của bé.

benh-coi-xuong-la-gi-phan-biet-benh-coi-xuong-va-dinh-duong-o-tre-1-VOH

Mẹ cần chú ý đến thời điểm tắm nắng để không làm hại da bé (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ có thói quen cởi hết quần áo trẻ cho phơi nắng 20 phút mỗi ngày vào buổi sáng. Tuy nhiên, bác sĩ Yến Thủy cho rằng, các mẹ không cần thiết phải cho bé tắm nắng liên tục mỗi ngày mà chỉ cần có lượng ánh nắng chiếu vào cơ thể bé một ít thôi là đủ.

Điều đặc biệt là ngoài việc cho trẻ tắm nắng thì các mẹ nên cho bé uống bổ sung viên vitamin D mỗi ngày để phòng chống còi xương trẻ tốt hơn.

3.1 Bổ sung canxi và vitamin D như thế nào là khoa học ?

Canxi và vitamin D có rất nhiều trong sữa, thực phẩm hay các loại thực phẩm chức năng nói chung. Để cơ thể trẻ có thể hấp thu tốt nhất những chất này thì cần phải thực hiện một cách khoa học.

  • Trẻ bú mẹ thì mẹ nên cho con bú đúng nguyên tắc, tức là bú nhiều lần trong ngày để đảm bảo lượng sữa cung cấp cho trẻ.
  • Trẻ uống sữa công thức, bé cần uống đủ lượng sữa cần thiết mỗi ngày, vì thông thường trong các loại sữa công thức hàm lượng canxi sẽ rất cao.
  • Trường hợp trẻ uống viên canxi thì cha mẹ nên xin ý kiến bác sĩ, không nên tự ý mua cho trẻ dùng, bởi uống sai liều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
  • Với viên uống vitamin D thì cha mẹ có thể bổ sung hàng ngày cho trẻ khoảng 800 đơn vị quốc tế (tùy vào từng sản phẩm cụ thể) và cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Lưu ý: Trong trường hợp mẹ cho trẻ uống kết hợp thuốc canxi, vitamin D cùng với các loại thuốc bổ khác như sắt, kẽm… thì nên uống cách thời gian từ 2 – 3 tiếng để giúp bé có thể hấp thu một cách tốt nhất.

Trong trường hợp trẻ uống thiếu sữa công thức, bú thiếu sữa mẹ, có những biểu hiện hay giật mình khóc đêm, thóp lâu đóng, răng mọc chậm… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra khẩu phần ăn để có bổ sung kịp thời lượng canxi đang bị thiếu hụt trong cơ thể trẻ.

3.2 Trẻ còi xương có cần kiêng cữ gì không  ?

Theo bác sĩ Yến Thủy, cơ thể chúng ta cần rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, mỗi chất dinh dưỡng lại cần được cung cấp với một lượng vừa đủ. Đặc biệt, với những bé còi xương thì không cần phải kiêng cữ bất cứ một loại thực phẩm nào.

benh-coi-xuong-la-gi-phan-biet-benh-coi-xuong-va-dinh-duong-o-tre-2-VOH

Trẻ còi xương không cần phải kiêng cử bất cứ loại thức ăn nào (Nguồn: Internet)

Thực tế, canxi có trong rất nhiều các loại thực phẩm như: cá nhỏ nguyên xương, tôm tép, cua đồng…Ngoài ra, trong các loại thịt nạc, rau muống, rau dền… cũng vẫn có canxi. Và đó cũng chính là lý do vì sao trẻ còi xương thì nên ăn đa dạng thực phẩm.

Nhiều trường hợp trẻ bị còi xương nhưng vóc dáng vẫn bụ bẫm, cha mẹ liền không cho trẻ ăn những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, đây là điều không nên  bởi dầu mỡ là một trong 4 nhóm chính cần phải có trong bữa ăn của trẻ còi xương. Nếu ăn thiếu dầu mỡ thì cơ thể sẽ không thể hấp thu được vitamin D, từ chứng còi xương càng thêm nghiêm trọng.

Do đó, cha mẹ cần lưu ý nên cho thêm dầu ăn vào các món ăn của trẻ bị còi xương (món mặn, chiên, xào). Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm thịt mỡ để cung cấp thêm năng lượng, đồng thời giúp việc hấp thu chất vitamin D tốt hơn, phòng chống còi xương cho trẻ.

Với những thông tin mà bác sĩ Đào Thị Yến Thủy vừa chia sẻ về Bệnh còi xương, cách phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ, hy vọng sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về 2 căn bệnh này, từ đó có thể điều trị kịp thời giúp bé phát triền một cách tốt nhất.

Để nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện cùng bác sĩ, bạn có thể nghe lại tại audio bên dưới: