Có rất nhiều tiêu chuẩn để theo dõi sự phát triển của bé như: chiều cao, cân nặng hay các chỉ số thông minh... Ngoài ra, vẫn còn có một một tiêu chí khác thể hiện sự phát triển thể chất của bé chính là tình trạng mọc răng ở bé.
Những chiếc răng sữa đầu tiên của bé thường sẽ được mọc khi bé khoảng 6 tháng tuổi và bé có đủ 20 chiếc răng sữa khi được khoảng 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Đây là một sự kiện đánh dấu sự chuyển biến của trẻ từ giai đoạn bú sữa sang giai đoạn ăn dặm hoặc các loại thức ăn đặc hơn.
Tuy nhiên, có những bé chậm mọc răng và tình trạng này không chỉ xảy ra ở những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng mà còn thấy ở những trẻ có thể chất phát triển bình thường và điều này đã khiến cho không ít bậc cha mẹ đứng ngồi không yên vì không biết trẻ chậm mọc răng có sao không?
1. Bé chậm mọc răng là thế nào ?
Theo tiêu chuẩn chung, thứ tự mọc răng của trẻ sẽ diễn ra theo một tiến trình như sau:
- 4 răng cửa của hàm trên và hàm dưới sẽ mọc khi bé được 6 - 8 tháng tuổi.
- 4 răng cửa bên sẽ mọc khi bé được 7 - 10 tháng tuổi.
- 4 răng hàm đầu tiên sẽ mọc khi bé được 12 - 16 tháng tuổi.
- 4 răng nanh sẽ mọc khi bé được 14 - 20 tháng tuổi.
- 4 răng hàm thứ 2 sẽ mọc khi bé đượ 20 - 32 tháng tuổi.
Theo đó, với những trường hợp bé đã được 9 – 10 tháng mà vẫn chưa mọc răng thì được xem là bé chậm mọc răng.
Bé được 9 – 10 tháng mà vẫn chưa mọc răng thì được xem là bé chậm mọc răng (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, các mẹ cũng cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác. Nếu em bé chậm mọc răng nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển tốt về thể chất và tinh thì việc mọc răng chậm là do yếu tố về sinh lý cơ thể.
Ngược lại, nếu trẻ chậm mọc răng sữa kèm theo đó là các dấu hiệu khác như: chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, bé thiếu linh hoạt… thì cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám để có được cách xử lý tốt nhất.
2. Những nguyên nhân trẻ chậm mọc răng
Việc trẻ em chậm mọc răng có thể do rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan gây nên, xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ có được những cách khắc phục cũng như cải thiện được tình trạng của bé.
2.1 Trẻ chậm mọc răng sữa do di truyền
Yếu tố di truyền trong gia đình, dòng tộc cũng ảnh hưởng tới sự mọc răng nhanh chậm của trẻ. Nếu trong gia đình có người từng chậm mọc răng thì có thể tình trạng bé mọc răng chậm là do đang nhận di truyền từ các thế hệ trước.
2.2 Bé chậm mọc răng do phụ thuộc vào thời điểm được sinh ra
Những bé bị sinh non, sinh thiếu tháng, thiếu cân thường sẽ có khả năng mọc răng chậm so với những trẻ sinh đủ ngày, đủ cân nặng. Ví dụ: Trẻ sinh non khi mới được 8 tháng tuổi sẽ mọc răng muộn hơn khoảng 4 tuần so với trẻ sinh đủ ngày (9 tháng 10 ngày).
2.3 Trẻ mọc răng trễ do một số căn bệnh
Hội chứng Down, tuyến yên hoạt động không bình thường hay lớp phôi ngoài có những biến chứng… đều có thể khiến răng bé chậm mọc. Tuy nhiên, những căn bệnh này nếu muốn xác định nguyên nhân thì cần phải được kiểm tra kỹ.
2.4 Bé chậm mọc răng do chịu tác động từ bên ngoài
Nếu răng bé có hiện tượng mọc không đều, cao – thấp thì có thể là do những tác động ngoại lực từ bên ngoài. Trên thực tế, răng trẻ có thể đã mọc đầy đủ nhưng chiếc mọc cao, chiếc mọc thấp nên các mẹ thường bị nhầm là răng trẻ mọc chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé chậm mọc răng (Nguồn: Internet)
2.5 Trẻ chậm mọc răng do thiếu Canxi
Khi bé bị thiếu Canxi sẽ khiến cho các mầm răng kém phát triển nên không thể nhú dài ra được.
Sữa chính là nguồn cung cấp canxi tốt nhất cho trẻ. Trong 6 tháng đầu bé vẫn bú sữa mẹ, do đó nếu người mẹ trong quá trình cho bé bú ăn uống kiêng khem sẽ dẫn đến thiếu Canxi để cung cấp cho trẻ.
Ngoài ra, việc cơ thể trẻ hấp thụ quá nhiều lượng photpho cũng có thể khiến cho việc hấp thụ Canxi của trẻ bị giảm đi.
2.6 Bé mọc răng muộn do còi xương
khi trẻ bị còi xương thì tức là trẻ đang thiếu lượng Vitamin D cần thiết cho cơ thể. Việc thiếu Vitamin D sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hấp thụ Canxi.
2.7 Suy dinh dưỡng
Những bé bị suy dinh dưỡng, thể chất của trẻ kém phát triển, không tạo đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động cho trẻ cũng có thể khiến răng mọc muộn hơn so với những bé có đủ dinh dưỡng, thể chất tốt.
2.8 Do suy giáp
Tình trạng trẻ bị suy giáp sẽ làm cho tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể hoạt động bình thường, gây ảnh hưởng đến nhịp tim, chậm nói, chậm biết đi và chậm mọc răng.
3. Các biến chứng của việc chậm mọc răng
Việc trẻ bị chậm mọc răng lâu dài về sau sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của bé. Các rủi ro, tác hại của việc chậm mọc răng ở trẻ sơ sinh như:
- Đây là biến chứng chính của việc chậm mọc răng là răng của trẻ vĩnh viễn sẽ bị mọc lệch, phát triển không bình thường nếu mọc răng muộn khi còn nhỏ.
- Răng sữa không thể hoặc khó nhai thức ăn dạng thể rắn.
- Việc những răng sữa mọc muộn sẽ dẫn đếm bé chậm mọc đủ hai hàng răng.
- Dễ bị sâu răng.
4. Cách khắc phục trẻ chậm mọc răng
Có rất nhiều các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi thấy trẻ chậm mọc răng cũng như không biết nên cho bé ăn gì, uống gì khi bé mọc răng quá chậm.
Khi thấy bé mọc răng muộn thì điều đầu tiên cha mẹ cần làm chính là nên xem xét tình trạng sức khỏe bé như thế nào hay nói cách khác chính là tìm hiểu nguyên nhân bé chậm mọc răng để có được những giải pháp giúp bé cải thiện tình trạng này.
Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai và cho con bú người mẹ nên ăn uống đa dạng, đủ chất, không nên quá kiêng khem. Trong đó, quan trọng nhất là cần cung cấp đầu đủ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin… cho thai nhi được phát triển.
Một số việc mẹ cần làm khi bé chậm mọc răng:
- Gia tăng khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ, đặc biệt là sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn động vật, chất béo…
- Cần bổ sung thêm vitamin D và canxi cho trẻ. Nếu sử dụng dưới dạng thuốc thì phải được đồng ý của bác sĩ.
- Bắt đầu cho trẻ (và cả mẹ) tắm nắng vào buổi sáng từ lúc trẻ được 1 tháng tuổi, duy trì liên tục hàng ngày cho đến khi trẻ biết đi. Thời gian tắm nắng trung bình 15-30 phút mỗi ngày, trẻ có da sậm màu hơn phải tắm lâu hơn trẻ có da sáng.
- Bé cần bổ sung lượng sữa từ 500 - 800ml mỗi ngày. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé dùng thêm sữa chua hoặc phô mai.
Đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn trẻ mọc răng (Nguồn: Internet)
5. Bé chậm mọc răng nên ăn gì, uống gì ?
- Thực đơn dành cho các bé chậm mọc răng nên đảm bảo các yếu tố chất đường, đạm, tinh bột, chất béo... Nên chú ý cung cấp đầy đủ chất đạm và nhất là đạm động vật chất béo trong quá trình ăn dặm của bé. Có thể nêm thêm dầu ăn trong bát bột (hoặc cháo) cho bé.
- Nên cho bé ăn thêm các loại hoa quả tươi hoặc bạn có thể ép lấy nước cho bé uống hoặc xay cả bã và cho bé dùng.
- Nên tập cho bé ăn uống theo thời gian biểu và tránh ăn vặt.
- Mẹ trong giai đoạn có thai và cho con bú cần ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày.
- Không pha sữa cho trẻ bằng các loại nước cháo, nước bột, nước rau củ… và nhất là nước khoáng bởi có thể làm giảm hấp thu canxi.
- Ngoài ra, nên để bé ngủ đủ giấc và khuyến khích bé vận động cũng là biện pháp kích thích bé ăn ngon miệng, tránh suy dinh dưỡng.
6. Khi nào bé chậm mọc răng cần phải đi khám ?
Đầu tiên cần xác định phải do gen di truyền mà khiến trẻ chậm tăng cân hay không và khi trẻ đã hơn 15 tháng tuổi mà bị tình trạng chậm mọc răng thì ba mẹ nên dẫn bé đi khám bác sĩ để sớm khắc phục tình trạng.
Ngoài ra cần kiểm tra tổng quát trẻ, xem các dấu hiệu khác như tăng cân, quá trình phát triển, việc ăn uống và giấc ngủ,....của bé để xem có bất thường gì không. Nhiều ba mẹ thường nghĩ rằng việc chậm mọc răng là dấu hiệu của sự thông minh nhưng điều này là không đúng.
Quan sát trẻ nếu có các dấu hiệu bất thường như khóc khàn, táo bón hoặc nhịp tim bất thường, thở khò khè thì nên dẫn bé đi gặp bác sĩ ngay. Trong nhiều trường hợp đi khám thì xác định nguyên nhân của việc trẻ chậm mọc răng là do thiếu chất dinh dưỡng, suy giáp.
Trên đây là những chia sẻ về những nguyên nhân khiến bé chậm mọc răng cũng những cách xử lý, chăm sóc bé trong trường hợp này. Hi vọng những thông tin từ bài viết trên sẽ giúp các mẹ có được biện pháp phòng chóng, ngăn ngừa cũng như để trẻ có được sự phát triển tốt nhất