Gần đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tiêm vắc xin chính là biện pháp tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh sởi, giảm thiểu sự lây lan cho cộng đồng.
Theo BS.CKI Lê Thị Diệu Thu - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, hiện nay có 2 loại vắc xin phòng ngừa bệnh sởi được lưu hành tại Việt Nam bao gồm vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp 3 trong 1 Sởi - Quai bị - Rubella (MMR).
Vắc xin phòng sởi là một trong những loại vắc xin bắt buộc trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta. Trẻ em cần tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi từ 9 tháng tuổi (đối với mũi sởi đơn) hoặc mũi MMR từ lúc 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, có những trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin sởi đó là:
- Trẻ đang bị sốt cao
- Trẻ mắc bệnh lao
- Trẻ bị bệnh suy giảm miễn dịch
- Trẻ bị nhiễm trùng cấp tính
- Trẻ vừa sử dụng globulin hoặc là truyền máu trong vòng 3 tháng
- Trẻ vừa kết thúc điều trị corticoid liều cao trong vòng 14 ngày
Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng không được phép tiêm vắc xin ngừa sởi vì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Theo VOH Online đã đưa tin ngày 20/3, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc cung ứng các vắc xin trong “Chương trình Tiêm chủng mở rộng” năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin, trong đó đó vắc xin ngừa bệnh sởi.
Dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm ở nước ta từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 78 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi trên cả nước, ghi nhận chùm ca bệnh sởi đầu tiên ở Hà Tĩnh.
Đừng quên theo dõi voh.com.vn - Mục Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.