Trao đổi với VOH Online, TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, trong các y văn không có tên bệnh hay vi khuẩn nào gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”. Tuy nhiên, do những tổn thương mà vi khuẩn gây ra khiến nhiều người lầm thưởng nên trong dân gian đã đặt một tên gọi chung là vi khuẩn “ăn thịt người” nhằm cảnh giác người dân.
Vi khuẩn “ăn thịt người” thực chất là tên gọi của một nhóm vi khuẩn gây nên hiện tượng viêm cân mạc dẫn đến hoại tử. Tức là, loại vi khuẩn này ban đầu sẽ gây nên những tổn thương ngoài da, khiến lớp da bị phồng và tróc ra. Sau đó, chúng sẽ ăn dần vào bên trong lớp mỡ và cuối cùng là đến mô cơ.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, những loại vi khuẩn được xếp vào nhóm “ăn thịt người” phần lớn là những loại vi khuẩn rất thường gặp, ví dụ như: vi khuẩn Gram âm, vi khuẩn Gram dương hoặc liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, tụ cầu vàng…
Riêng về nguyên nhân vì sao cùng tiếp với nguồn lây nhiễm nhưng có người thì bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” có người lại không bị, TS.BS Nguyễn Thị Sơn lý giải là do bên trong những loại vi khuẩn này có chứa nội độc tố.
Khi chúng tiếp xúc với bất kỳ vùng da nào trên cơ thể người có thể khiến nó sản sinh ra nội độc tố nhiều, trong khi cơ thể lại không có khả năng kháng lại các loại độc tố này thì tại vùng da nhiễm khuẩn sẽ bị tổn thương.
Đặc biệt, với những vùng tổn thương do vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra thì tốc độ hoại tử rất nhanh ở tất cả các cơ quan bên trong cơ thể, trong đó phải kể đến vùng da.
Như vậy, cụm từ vi khuẩn “ăn thịt người” thực chất chỉ tên gọi chung được truyền thông sử dụng nhằm nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác với những tác động xấu mà loại vi khuẩn này mang lại.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.