Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKI Võ Văn Minh Hoài, Trung tâm Nha khoa Vạn Hạnh.
MC Ngọc Linh: Thưa bác sĩ, hiện nay có những phương pháp niềng răng nào và ưu, nhược điểm của từng phương pháp là gì?
Bác sĩ Võ Văn Minh Hoài: Chung quy lại chúng ta có hai phương pháp niềng răng đó là niềng răng có mắc cài và niềng răng không có mắc cài.
Với niềng răng có mắc cài, chất liệu làm mắc cài là bằng kim loại hoặc bằng sứ. Với những chất liệu này, chúng ta sẽ chia ra kim loại tự buộc hoặc sứ tự buộc.
Mắc cài tự buộc có nắp trượt tự động thay thế cho việc mắc thun ở mắc cài cổ điển; giúp quá trình niềng răng diễn ra liên tục, linh hoạt và rút ngắn thời gian chỉnh nha xuống trung bình từ 3 - 6 tháng.
Có một loại niềng răng mắc cài nữa là niềng răng mặt trong, mắc cài và dây cung được niềng ở bề mặt trong của cung răng. Ưu điểm là đảm bảo tính thẩm mỹ.
Nhược điểm của niềng răng bằng mắc cài là cảm giác vướng víu, khó chịu khi mới mang, vì mắc cài cố định trên cung răng. Việc vệ sinh răng miệng cũng sẽ trở nên khó khăn. Nếu mảng bám thức ăn dính trên mắc cài không được vệ sinh thì có thể dẫn đến các bệnh lý về răng miệng.
Phương pháp niềng răng thứ hai là niềng răng không mắc cài hay còn gọi là niềng răng trong suốt. Khay chỉnh nha trong suốt được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, giúp răng dịch chuyển về vị trí mong muốn.
Khay chỉnh nha có cấu trúc mỏng, gọn và không gây cộm hay khó chịu. Ngoài ra nó cũng thẩm mỹ hơn và có thể dễ dàng tháo lắp khi ăn hoặc khi vệ sinh răng miệng nên vô cùng thuận lợi.
Tuy nhiên, niềng răng không mắc cài có nhược điểm duy nhất là chi phí cao.
MC Ngọc Linh: Thưa bác sĩ, khi niềng răng chúng ta sẽ phải trải qua những giai đoạn nào? Giai đoạn nào sẽ đau nhức và ảnh hưởng nhiều nhất đến khuôn mặt của mình?
Bác sĩ Võ Văn Minh Hoài: Hiện tại, việc niềng răng thực sự không đau nhiều.
Thông thường, tại Nha khoa Vạn Hạnh sẽ có 3 - 4 lần hẹn chính thức trước khi gắn mắc cài cho bệnh nhân.
Lần hẹn đầu tiên, bác sĩ sẽ khám tư vấn sơ bộ cho bệnh nhân. Lần hẹn thứ hai sẽ khám lâm sàng và tạo hồ sơ bệnh án, kế hoạch điều trị kỹ hơn cho bệnh nhân.
Ở lần hẹn thứ hai, khi bệnh nhân đã khám sơ bộ và đồng ý làm thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp phim ngoài mặt và trong miệng, khám chi tiết, lấy dấu và đổ mẫu hàm. Sau đó thì chụp phim toàn cảnh và phim sọ nghiêng.
Ở lần hẹn thứ ba, sau khi thu thập dữ kiện của bệnh nhân xong bác sĩ sẽ trình bày kế hoạch điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Những bệnh lý toàn thân bệnh nhân cần kiểm soát trong quá trình chỉnh nha. Những bệnh lý răng miệng cần điều trị trước khi chỉnh nha như nhổ răng, cắm răng…
Bác sĩ sẽ đưa ra một phương pháp điều chỉnh lệch lạc khớp cắn của bệnh nhân và lựa chọn tối ưu cho từng trường hợp, từng sai hình khớp cắn.
Bác sĩ cũng sẽ thông báo thời gian điều trị ước tính, những lợi ích và nguy cơ của điều trị chỉnh nha và chi phí cho trường hợp niềng răng của bệnh nhân.
Lần hẹn thứ tư, sau khi đã phân tích hết thắc mắc của bệnh nhân, bác sĩ gắn mắc cài rồi hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ khí cụ, bảo vệ mắc cài, cách vệ sinh răng miệng, ăn uống cũng như các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình niềng.
Thông thường, tùy trường hợp bác sĩ sẽ hẹn từ 4 - 6 tuần để bệnh nhân đến tái khám.
Sau từ 1,5 - 2 năm, khi quá trình điều trị hoàn tất, bác sĩ sẽ giao và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng khí cụ duy trì, tái khám định kỳ cũng như hoàn tất hồ sơ.
Bác sĩ CKI Võ Văn Minh Hoài
Trung tâm Nha khoa Vạn Hạnh
Theo dõi chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích!