Người bệnh liệt dương thường mặc cảm và e ngại nên không đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, vì thế không thể khắc phục được chứng bệnh này và những hệ quả mà nó đem lại. Vậy nguyên nhân khởi điểm bệnh là do đâu và cách điều trị như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi những thông tin dưới đây đã được Ths.Bs Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Chuyên khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân) chia sẻ trong chương trình Bí mật nam giới.
1. Liệt dương là gì?
Bệnh liệt dương ở nam giới là mức độ nặng hơn của rối loạn cương dương. Người bệnh liệt dương sẽ bị rối loạn chức năng tình dục thể hiện qua các dấu hiệu như dương vật không thể cương cứng hoặc không đủ độ cứng trong lúc quan hệ. Bên cạnh đó, liệt dương còn có thể thấy qua biểu hiện dương vật bị mềm sớm, trước khi xuất tinh, không xuất tinh, xuất tinh sớm, thiếu hay mất cực khoái.
Bác sĩ Phước cho biết, liệt dương là một căn bệnh phổ biến và không hiếm gặp, nhưng vì là vấn đề nhạy cảm ở nam giới nên ít được thảo luận rộng rãi. Nam giới mắc bệnh liệt dương thường tỉ lệ thuận theo tuổi tác, tức nam giới ở độ tuổi 40 sẽ dễ mắc bệnh khoảng 40%, 50 tuổi chiếm khoảng 50% và tương tự tăng như vậy cho đến khi về già. Tuy nhiên, trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi, nam giới vẫn có thể gặp chứng bệnh này.
Liệt dương gây giảm ham muốn, gây nguy cơ vô sinh (Nguồn:Internet)
2. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh liệt dương
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh liệt dương bao gồm:
- Người thường xuyên làm ca đêm, thức khuya;
- Người hay uống rượu, hút thuốc;
- Người hay buồn rầu, trầm cảm;
- Người thường xuyên ngoại tình;
- Người dễ nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc;
- Người có thói quen quan hệ ngay sau khi tắm;
- Người mắc hội chứng chuyển hóa: bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, béo phì;
- Người có lối sống thụ động, ít vận động thể chất;
- Người bị suy sinh dục.
Xem thêm: Điều bạn nên biết sớm về rối loạn chuyển hóa lipid máu (rối loạn mỡ máu)
3. Nguyên nhân bệnh liệt dương
Theo bác sĩ Phước, nguyên nhân liệt dương thường gặp bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi càng cao thì hàm lượng testosterone ở nam giới càng suy giảm mạnh dễ bị liệt dương;
- Thói quen sinh hoạt không khoa học: lạm dụng chất kích thích, sử dụng thuốc có tác động xấu tới hệ sinh dục hoặc thói quen tình dục không điều độ là nguyên nhân liệt dương phổ biến. Ngoài ra, thói quen thủ dâm quá nhiều có thể gây rối loạn chức năng sinh dục và dẫn đến hiện tượng liệt dương ở nhiều nam giới;
- Tâm lý: yếu tố tâm lý chiếm đến 20% nguyên nhân gây liệt dương. Cảm giác lo sợ, tự ti, căng thẳng khiến dương vật không thể cương cứng;
- Bệnh lý, thể chất kém: nam giới có thể chất kém sẽ dễ bị liệt dương. Ngoài ra, bệnh viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, viêm nhiễm bộ phận sinh dục cũng dễ gây liệt dương;
- Tiền sử gặp chấn thương, phẫu thuật: chấn thương, phẫu thuật vùng tuyến tiền liệt hoặc dương vật bị tổn thương thần kinh đều có thể gây liệt dương;
- Do tác dụng phụ của thuốc hoặc chất kích thích: thuốc chữa bệnh tâm thần, trầm cảm, tim mạch, tăng huyết áp, … có tác dụng phụ bất lợi, gây ra các rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, giảm ham muốn, liệt dương,...;
- Vận động thể dục quá mức: đây cũng tạo cơ hội hình thành bệnh liệt dương. Điển hình như môn thể thao đạp xe, nếu vận động trong thời gian dài sẽ làm tổn thương lên trên mạch máu và thần kinh của cơ thể. Hơn hết, “cậu nhỏ” sẽ gặp tổn thương khi đang được đặt nằm giữa 2 vật cứng đó là những khối xương của phần xương chậu ở trên và phần cứng của yên xe đạp ở dưới.
4. Triệu chứng bệnh liệt dương
Dấu hiệu liệt dương ở nam giới rất khác nhau tùy theo bệnh nhân. Liệt dương ở mức độ khác nhau sẽ xuất hiện dấu hiệu lâm sàng khác nhau:
- Mức độ nhẹ: nam giới bị liệt dương vẫn có nhu cầu tình dục như bình thường, dương vật vẫn cương cứng nhưng thời gian cương cứng ngắn, dễ xuất tinh ngay sau khi vào âm đạo;
- Mức độ trung bình: ham muốn giảm dần, dương vật mất nhiều thời gian để cương cứng, giảm tần suất xuất tinh. Ở giai đoạn này, người bị liệt dương không thể duy trì trạng thái cương cứng dương vật;
- Mức độ nặng: dương vật không thể cương cứng, nam giới không còn khoái cảm khi quan hệ.
Xem thêm: Ung thư dương vật và những điều bất kỳ nam giới nào cũng cần nắm rõ
4.1. Liệt dương có gây vô sinh không?
Bệnh liệt dương ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh dục và quá trình giao hợp. Khi ở giai đoạn nặng, bệnh liệt dương không thể cương cứng nên không thể tiến hành giao phối và xuất tinh, từ đó gây ra vô sinh. Tuy nhiên, để xác định được tình trạng căn bệnh này có thể có con được hay không là còn phải dựa vào các yếu tố như:
- Nam giới không mắc các bệnh về ống dẫn tinh hay tinh hoàn;
- Môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng tinh trùng và thụ thai;
- Chất lượng tinh trùng tốt, khả năng xuất tinh bình thường.
Nếu có thể duy trì tốt các yếu tố trên thì khả năng sinh sản là bình thường. Mặc dù, khi bị bệnh liệt dương, quá trình giao hợp sẽ khó khăn hơn, nên việc thụ tinh cũng sẽ bị ảnh hưởng, song với y học phát triển hiện nay, người bệnh vẫn có thể có con bằng cách thụ tinh ống nghiệm.
Liệt dương có thể gây vô sinh nếu không phát hiện sớm các dấu hiệu và điều trị kịp thời (Nguồn:Internet)
5. Các biện pháp điều trị bệnh liệt dương
Hiện nay có nhiều phương pháp chữa bệnh liệt dương, tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các cách điều trị khác nhau.
5.1. Điều trị nội khoa
- Thuốc tăng hàm lượng testosterone: thuốc Stimuloid giúp tăng cường testosterone, cải thiện chức năng tình dục;
- Gel bôi trơn: tác dụng chữa liệt dương, chống xuất tinh sớm, kéo dài thời gian quan hệ;
- Thuốc ức chế men phosphodiesterase type 5: giúp dương vật giãn ra, cương cứng thời gian dài hơn.
5.2. Các phương pháp khác
- Liệu pháp tâm lý: người bệnh cần giải tỏa căng thẳng, lo âu và chia sẻ với bạn tình về tình trạng bệnh lý của bản thân để cùng tìm hướng giải quyết;
- Sóng xung kích: dùng sóng xung kích tác động dương vật, giúp lưu thông máu, tránh liệt dương, cải thiện tình trạng cương cứng kéo dài gấp ba lần người không áp dụng;
- Bài tập Kegel: đây là bài tập dành cho cơ mu cụt (vùng xương chậu). Tập luyện bài tập hỗ trợ chữa bệnh liệt dương này giúp nam giới tăng ham muốn, kéo dài thời gian quan hệ.
6. Lời khuyên
Để phòng tránh bệnh liệt dương, bạn nên lắng nghe những lời khuyên hữu ích của bác sĩ Phước dưới đây:
- Không thủ dâm và quan hệ tình dục: Trong quá trình điều trị bệnh, nam giới không thủ dâm và bạn chế quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi: Trong thời điều trị bệnh liệt dương, người bệnh cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, đặt nặng các vấn đề. Vì tâm lý quyết định rất lớn trong việc điều trị bệnh.
- Hạn chế vận động quá sức: Người bệnh liệt dương tránh các hoạt động quá sức, sẽ làm căng thẳng thần kinh, tạo áp lực. Chỉ nên vận động các bài tập vừa sức, nhẹ nhàng. Thực hiện các bài tập bổ trợ thường xuyên để cải thiện tình trạng bệnh.
- Cung cấp các thực phẩm cần thiết: Người bệnh liệt dương có chế độ ăn uống khoa để tăng cường kháng thể, giúp chống lại bệnh tật. Nên cung cấp các thực phẩm giúp bổ thận, tráng dương như (Hàu, nhân sâm, măng tây, tôm,…), các loại trái cây giàu vitamin. Uống đủ nước từ 2- 2.5 lít nước lọc mỗi ngày giúp cơ thể thanh lọc tốt hơn.
- Không dùng các chất kích thích: Tuyệt đối không dùng bia, rượu, thuốc lá, và các chất kích thích trong thời gian điều trị bệnh liệt dương vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh.
- Nên nêu rõ tình trạng bệnh khi đến khám: Tâm lý e ngại, rụt rè, không nêu rõ các tiền sử các loại bệnh, sẽ khiến bác sĩ khó xác định nguyên nhân gây bệnh để điều trị.
Như vậy, liệt dương là căn bệnh nhạy cảm, khó nói, mặc cảm mà không đi điều trị kịp thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, khi nhận biết các dấu hiệu của bệnh, đừng ngần ngại mà hãy đến gặp các bác sĩ để được theo dõi và điều trị bệnh đúng cách.