Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguồn gốc và con đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ

VOH - Trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguồn gốc, con đường lây truyền của nó.

Đậu mùa khỉ là một bệnh lý hiếm gặp, do virus đậu mùa gây ra. Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ bùng phát thành dịch nếu phòng tránh không đúng cách. 

Đậu mùa khỉ có phải là căn bệnh lây từ động vật sang người?

Theo bác sĩ Võ Thị Lệ Quyên, chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lý có từ lâu. Vào năm 1958, người ta phát hiện loại virus đậu mùa ở một đàn khỉ. Đến năm 1970, thế giới ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại châu Phi. 

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây từ khỉ sang người. Hiện nay, căn bệnh này còn lây từ người sang người và có khả năng bùng phát thành dịch. 

Nguồn gốc và con đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ 1
Virus đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu tiên ở một đàn khỉ - Ảnh: Canva

Xem thêm:
Cách nhận biết triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người bằng cách nào?
Cách phòng ngừa, phát hiện và chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền như thế nào?

Ngoài việc lây truyền từ động vật sang người thì đậu mùa khỉ nó còn có thể lây từ người sang người.

Những con đường lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ ở người bao gồm:

  • Tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với người mắc bệnh, sử dụng những dụng cụ của người nhiễm bệnh như chăn gối, khăn, quần áo,...
  • Từ các giọt bắn trong đường hô hấp hoặc dịch tiết như sữa, tinh dịch.
  • Nhau thai, có thể truyền từ mẹ sang con.
  • Bị động vật nhiễm bệnh cào, cắn hoặc ăn phải thịt động vật bị nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Nguồn gốc và con đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ 2
Dễ có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với người nhiễm bệnh - Ảnh: Canva

Nhóm đối tượng nào dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Bệnh đậu mùa khỉ gây khó chịu và lâu lành hơn các bệnh khác. Nó lây từ động vật sang người qua dịch cơ thể. Vì vậy, các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh vô cùng đa dạng.

  • Người sống chung hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người mắc bệnh.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã như các đối tượng làm việc ở các cơ sở giết mổ thú hoang dã trái phép.

Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Võ Thị Lệ Quyên (bác sĩ nội trú chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn) về nguồn gốc cũng như con đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ. Hy vọng với các thông tin bổ ích trong bài viết sẽ giúp bạn có thể nhận biết và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả. 

Hãy cùng theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận