Chờ...

Nhiễm khuẩn hô hấp có lây không?

VOH - Để giảm tỷ lệ mắc Nhiễm khuẩn hô hấp, chúng ta cần thực hiện các biện pháp can thiệp tích cực vào những yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Nhiễm khuẩn hô hấp là những bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus tấn công vào các cơ quan của hệ hô hấp như: tai, mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi. Trẻ em, người già và người suy giảm hệ thống miễn dịch là những đối tượng dễ mắc các bệnh lý này, đặc biệt là trẻ em

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như cúm, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi... gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm. Một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị Nhiễm khuẩn hô hấp trung bình khoảng từ 5 - 8 lần/năm. Điều này dễ khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa Nhiễm khuẩn hô hấp là rất quan trọng nhằm ngăn ngừa lây lan, hạn chế tối đa chuyển biến nặng của bệnh và các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải. 

Nhiễm khuẩn hô hấp có lây không? 1
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, chưa hoàn thiện nên dễ mắc các bệnh Nhiễm khuẩn đường hô hấp - Ảnh: Internet

Trong bài viết sau, Bác sĩ Lê Trung Tuấn, Khoa Cấp Cứu - Hồi Sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn sẽ tham gia giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc phòng ngừa lây lan Nhiễm khuẩn hô hấp. 

MC: Thưa bác sĩ, bệnh Nhiễm khuẩn đường hô hấp lây lan qua những con đường nào?

Bác sĩ: Nhiễm khuẩn hô hấp có thể lây lan qua 3 con đường:

  • Thứ nhất là giọt bắn, tức là những chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc là những người lành mang mầm bệnh khi ho, hắt hơi sẽ văn ra môi trường.
  • Thứ hai là qua các bề mặt tiếp xúc, qua những vật dụng dùng chung hoặc qua tay của bệnh nhân mang mầm bệnh, sau đó dụi vào mắt, mũi, miệng đưa mầm bệnh vào cơ thể.
  • Thứ ba là không khí chứa các loại khí dung do các bộ phận y tế như hút đờm ở máy tạo ra cũng là con đường lây bệnh. 

MC: Làm thế nào để chúng ta có thể phòng ngừa căn bệnh Nhiễm khuẩn hô hấp? 

Bác sĩ: Để phòng tránh bệnh Nhiễm khuẩn hô hấp, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đến nơi công cộng.
  • Hắt hơi vào tay áo hoặc khăn giấy để hạn chế lây truyền tác nhân gây bệnh ra cộng đồng.
  • Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng để ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Hạn chế tụ tập ở những nơi đông người, nhất là thời điểm xảy ra dịch cúm.
  • Tránh hút thuốc.
  • Đảm bảo bổ sung đủ vitamin trong chế độ ăn uống để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Ngoài ra, chúng ta cần chủ động tiêm ngừa vacxin sởi, quai bị, rubella, ho gà để làm giảm nguy cơ bị Nhiễm trùng hô hấp; đồng thời tiêm phòng cúm và phế cầu để hạn chế viêm phổi. 
Nhiễm khuẩn hô hấp có lây không? 1

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.