Vào những tháng cuối năm khi thời tiết bắt đầu trở lạnh và mưa nhiều, số ca nhập viện do nhiễm khuẩn hô hấp có xu hướng tăng. Để hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, hãy theo dõi những chia sẻ của Bác sĩ Lê Trung Tuấn, Khoa Cấp Cứu - Hồi Sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.
MC: Thưa bác sĩ, có phải bệnh Nhiễm khuẩn đường hô hấp chỉ xảy ra ở trẻ em hay không?
Bác sĩ: Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới và qua các trận đại dịch đã chỉ ra rằng, trẻ em, người già và người suy giảm hệ thống miễn dịch dễ nhiễm bệnh hơn, đặc biệt là trẻ em.
MC: Tại sao trẻ lại dễ mắc Nhiễm khuẩn hô hấp hơn người lớn?
Trẻ em dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp bởi các nguyên nhân sau:
- Hệ miễn dịch của trẻ còn khá yếu.
- Các bé đều trong độ tuổi đi học, đi nhà trẻ nên thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ khác; có thói quen dụi mắt, mút tay, vệ sinh tay kém nên dễ bị nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn từ môi trường xung quanh.
- Những trẻ đã nhiễm bệnh dễ phát tán vi khuẩn ra môi trường, làm lây lan cho những trẻ khác.
- Với các trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, suy dinh dưỡng nhưng không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, cần thời gian điều trị dài hơn và tiên lượng xấu hơn so với những trẻ em bình thường.
MC: Biến chứng, tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ở trẻ khi bị nhiễm khuẩn hô hấp như thế nào?
Bác sĩ: Theo ước tính, một em bé dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp trung bình khoảng từ 5 -8 lần/năm và khoảng 20 - 25% những lúc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp sẽ diễn tiến thành viêm phổi cần phải điều trị kháng sinh thích hợp.
Hiện nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi. Mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
MC: Thưa bác sĩ, trong quá trình thăm khám và điều trị, không biết có một ca bệnh cụ thể nào mà bác sĩ mong muốn chia sẻ thêm với các thính giả không ạ?
Bác sĩ: Trong số các bệnh nhân tới phòng cấp cứu có rất nhiều trường hợp nhiễm virus hợp bào hô hấp. Đối với người lớn, người hút thuốc lá hay mắc các bệnh mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) và một số người bị suy giảm miễn dịch (như là các bệnh nhân nhiễm HIV trong giai đoạn AIDS) là những đối tượng có nhiều biến chứng rất nặng nề.
Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.