1. Quai bị là gì?
Quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên.
Khi bạn mắc quai bị, virus sẽ di chuyển từ đường hô hấp (mũi, miệng và cổ họng) vào tuyến mang tai và gây viêm ở đây.
Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và thường gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh…Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh.
Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.
2. Đường lây nhiễm của quai bị
Những người mắc bệnh quai bị thường dễ lây nhiễm cho người khác nhất là trong khoảng thời gian vài ngày trước và sau khi bị viêm tuyến nước bọt. Quai bị cũng có thể được lây truyền từ những người bị nhiễm virus nhưng không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.
Quai bị lây qua đường hô hấp theo cách tương tự như cảm lạnh và bệnh cúm. Các con đường lây nhiễm là qua nước bọt, dịch tiết mũi họng và tiếp xúc cá nhân gần gũi. Virus quai bị sống được trong không khí và sẽ lây lan nếu:
- Người bị bệnh ho hoặc hắt hơi và bắn ra những giọt nước bọt, sau đó người khác có thể hít phải.
- Người bị bệnh chạm vào mũi hoặc miệng của họ, sau đó truyền virus vào một vật thể, chẳng hạn như tay nắm cửa hoặc bề mặt bàn, nếu người khác chạm vào đồ vật ngay sau đó, họ có thể bị nhiễm virus.
- Dùng chung đồ dùng, chẳng hạn như cốc, dao, kéo hoặc đĩa với người bị bệnh.
3. Các triệu chứng của quai bị
Thời gian ủ bệnh trung bình là khoảng 14 - 25 ngày. Ở giai đoạn khởi khát, các triệu chứng tương tự như cúm, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Ăn kém
- Sốt nhẹ
Sốt cao tới 39°C và sưng các tuyến nước bọt xảy ra trong vài ngày sau, đây gọi là giai đoạn toàn phát.
Các tuyến có thể không sưng cùng một lúc. Sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh quai bị, Chỗ sưng gây đau, nhức và khó nuốt. Các triệu chứng kèm theo bao gồm:
- Đau khi nhai hoặc nuốt
- Khô miệng
- Đau bụng nhẹ
- Mệt mỏi nhiều
Hầu hết những người mắc bệnh quai bị đều có các triệu chứng như trên. Nhưng trong khoảng 1/3 trường hợp, quai bị không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào.
4. Điều trị bệnh quai bị
Hiện không có thuốc đặc trị cho virus quai bị, nhưng nhiễm trùng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Điều trị quai bị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng cho đến khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng và tự khỏi.
Để điều trị quai bị, cần:
- Nghỉ ngơi tại giường.
- Sử dụng thuốc giảm đau.
- Chườm lạnh lên các tuyến bị sưng để giúp giảm đau.
- Uống nhiều nước, nhưng tránh đồ uống có tính axit như nước hoa quả vì chúng có thể gây kích ứng tuyến nước bọt mang tai.
- Ăn một chế độ ăn mềm gồm súp, sữa chua và các loại thực phẩm dễ nhai khác (nhai có thể gây đau khi các tuyến nước bọt đang sưng).
Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày hoặc đột ngột xấu đi, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Hầu hết những người đã mắc bệnh quai bị sẽ có miễn dịch đặc hiệu và không thể mắc bệnh lần thứ hai.
Xem thêm: 4 triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em cha mẹ tuyệt đối không được xem nhẹ
5. Các biến chứng của quai bị
Quai bị thường khỏi mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên một số trường hợp có thể để lại biến chứng. Hầu hết các biến chứng của quai bị liên quan đến tình trạng viêm và sưng tấy ở một số bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như:
5.1 Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn ảnh hưởng đến 1/4 nam giới mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì. Viêm thường đột ngột và chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.
Ở nam giới mắc quai bị, sưng tinh hoàn thường bắt đầu từ 4 đến 8 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Đôi khi, viêm có thể xảy ra đến 6 tuần sau khi sưng tuyến.
5.2 Viêm màng não và viêm não
Viêm màng não có thể xảy ra nếu virus quai bị lan vào lớp bảo vệ bên ngoài của não (màng não). Nó xảy ra với khoảng 1/7 trường hợp mắc bệnh quai bị.
Không giống như viêm màng não do vi khuẩn, được coi là một trường hợp cấp cứu y tế có thể đe dọa tính mạng, viêm màng não do virus gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng thấp.
Nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ và đau đầu là những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm màng não do virus. Chúng thường được điều trị khỏi trong vòng 14 ngày.
Ngoài ra, cần lưu ý, virus quai bị có thể gây viêm não cho khoảng 1 trong 1.000 người bị viêm màng não sau quai bị. Viêm não là một tình trạng có thể gây tử vong, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
5.3 Viêm tụy cấp
Khoảng 1 trong 20 trường hợp quai bị dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp. Các dấu hiệu của viêm tụy bao gồm đau ở vùng bụng trên, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Ăn kém
- Sốt
- Có thể vàng da, vàng củng mạc mắt.
Mặc dù viêm tụy liên quan đến quai bị thường nhẹ nhưng vẫn nên nhập viện đến khi tình trạng ổn định.
5.4 Viêm vòi trứng
Có 1/20 bệnh nhân nữ bị quai bị có biến chứng viêm vòi trứng. Các triệu chứng sớm là sốt và đau bụng dưới. Viêm tắc vòi trứng thường hết sau khi cơ thể đã chống lại được virus bệnh quai bị.
Các biến chứng khác của bệnh quai bị hiếm gặp hơn bao gồm:
- Mất thính lực: Mất thính lực có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Khoảng 1 trong số 20 người bị quai bị bị mất thính lực tạm thời, nhưng mất thính lực vĩnh viễn rất hiếm, khoảng 1 trong 20.000 trường hợp.
- Vấn đề tim mạch: Bệnh quai bị có liên quan đến nhịp tim bất thường và các bệnh về cơ tim.
- Sảy thai: Bị quai bị khi đang mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến sảy thai.
Xem thêm: Phụ nữ mang thai bị bệnh quai bị, liệu bé cưng có bị ảnh hưởng?
6. Phòng ngừa quai bị
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh quai bị là tiêm vắc xin phòng bệnh. Hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch với bệnh quai bị sau khi được tiêm chủng đầy đủ.
Vắc xin ngừa quai bị thường được tiêm dưới dạng phối hợp sởi-quai bị-rubella (MMR). Nên tiêm hai liều vắc-xin MMR trước khi trẻ đi học. Những loại vắc-xin đó nên được tiêm khi trẻ:
- Từ 12 đến 15 tháng tuổi
- Trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi
Sinh viên đại học, khách du lịch quốc tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe nói riêng nên đảm bảo rằng họ đã tiêm hai liều vắc-xin MMR. Một liều duy nhất không hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh quai bị.
Liều vắc xin thứ ba không được khuyến cáo. Nhưng bác sĩ có thể đề nghị liều thứ ba nếu bạn ở trong khu vực đang bùng phát dịch bệnh. Một nghiên cứu về đợt bùng phát bệnh quai bị gần đây trong khuôn viên trường đại học cho thấy những sinh viên được tiêm liều thứ ba của vắc-xin MMR có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nhiều.
6.1 Những người chưa nên tiêm MMR
Nên cân nhắc chờ đợi nếu:
- Đang mắc một bệnh lý khác.
- Có thai thì nên chờ cho đến sau khi sinh con.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng quai bị nếu:
- Bị ung thư
- Các bệnh lý về máu
- Mắc bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV / AIDS
- Đang được điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như steroid, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
- Đã ntiêm một loại vắc xin khác trong vòng 4 tuần
6.2 Những người không nên tiêm vắc xin MMR
Không cần tiêm phòng nếu:
- Đã tiêm hai liều vắc-xin MMR sau 12 tháng tuổi.
- Xét nghiệm máu có kháng thể của bệnh sởi, quai bị và rubella.
Ngoài ra, vắc-xin không được khuyến nghị cho:
- Những người đã có phản ứng dị ứng với kháng sinh neomycin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của vắc xin MMR.
- Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ dự định có thai trong vòng 4 tuần tới.
- Những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.
6.3 Các cách phòng bệnh khác
Để phòng bệnh quai bị, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.
- Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.
- Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.
Quai bị là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virus. Bệnh thường không gây nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách. Tiêm phòng là cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh lý này.