Chờ...

Sốt xuất huyết và sốt rét khác nhau như thế nào?

VOH - Sốt xuất huyết và sốt rét thường có những biểu hiện gần giống nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Vậy cách phân biệt 2 bệnh này là gì?

Sốt xuất huyết và sốt rét là 2 bệnh do muỗi gây ra, có các triệu chứng ban đầu tương tự nhau như sốt, rét run. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí là dễ mắc sai lầm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Vậy làm thế nào để phân biệt 2 bệnh này?

Phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét, cách phòng bệnh hiệu quả 1
Sốt xuất huyết và sốt rét là những bệnh lý nguy hiểm, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người - Ảnh: Canva

Theo bác sĩ Lê Tùng Dương, chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, sốt xuất huyếtsốt rét là 2 bệnh truyền nhiễm và lây lan qua đường muỗi chích. Để phân biệt được 2 bệnh này cần dựa vào các nguyên nhân, vùng dịch tễ, dấu hiệu, thời gian ủ bệnh.

 

Sốt xuất huyết

Sốt rét

Vùng dịch tễ

Xuất hiện ở những nơi dân cư đông đúc như đô thị.

Thường gặp ở khu vực miền núi, đặc biệt là các bệnh nhân vừa mới đi từ những vùng đó về khoảng 2 tuần.

Nguyên nhân

Bệnh lây truyền qua vết cắn của muỗi vằn Aedes aegypti mang virus gây sốt dengue và chúng thường tấn công vào ban ngày.

Bệnh do muỗi Anopheles cắn và thời gian hoạt động chủ yếu của chúng là vào ban đêm.

Triệu chứng

Sốt cao liên tục, có biểu hiệu đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau nhức 2 hốc mắt, buồn nôn, chán ăn,... Sau khi hạ sốt, người bệnh có thể bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu.

Biểu hiện ban đầu của sốt rét là một cơn lạnh run, sốt, vã mồ hôi và sau đó tỉnh táo trở lại bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị vàng da nhẹ, nôn mửa, đau nhức người, thở gấp, thậm chí là co giật, mất nhận thức, huyết áp hạ thấp, suy thận,...

Thời gian ủ bệnh

Các triệu chứng bệnh xuất hiện sau 4 - 5 ngày bị muỗi chích và sẽ khỏi dần trong 7 - 10 ngày.

Sau 10 - 15 ngày bị muỗi cắn, các triệu chứng sốt rét sẽ xuất hiện. Bệnh có khả năng kéo dài đến một năm và thay đổi theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.

Chẩn đoán

Thông qua xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể.

Soi máu với kính hiển vi để xem ký sinh trùng sốt rét.

Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Lê Tùng Dương (bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn) về cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét. Hy vọng có thể hỗ trợ bạn đưa ra các phương án điều trị chính xác và an toàn cho bệnh nhân. 

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những thông tin mới nhất, hấp dẫn nhất.