Tại sao thường xuyên đau bụng và khó chịu?

VOH - Đau bụng, đầy hơi và khó chịu thường xuyên? Hãy cẩn thận vì nguyên nhân có thể là do lượng đường trong máu tăng cao.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân tiểu đường nên lưu ý rằng lượng đường trong máu không ổn định có thể dẫn đến chứng liệt dạ dày, tức là khả năng nhu động của dạ dày bị suy yếu, khiến thức ăn đọng lại trong dạ dày quá lâu, gây đau và khó chịu ở dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, mắc ói, ói mửa và nhiều triệu chứng khác.

Dau dau - HV
Lượng đường trong máu tăng cũng có thể gây đau và khó chịu ở dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, mắc ói, ói mửa và nhiều triệu chứng khác - Ảnh: TVBS

Kháng insulin ảnh hưởng đến nhu động dạ dày

Trịnh Hoằng Chí, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa tại Phòng khám Đào Viên Hồng Lâm ở Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, trước đây bác sĩ đã từng điều trị cho một bệnh nhân tiểu đường gặp các vấn đề như kiểm soát lượng đường trong máu kém trong thời gian dài.

Sau đó phát triển thêm bệnh liệt dạ dày, thường xuyên gây đau bụng, đầy hơi, mắc ói và ói mửa tìm đến phòng khám khám bệnh và được bác sĩ cho truyền dịch, có lúc tình trạng nghiêm trọng đến nỗi hai ba ngày là bệnh nhân phải đến phòng khám để lấy thuốc về uống.

Liệt dạ dày (tiếng Anh là gastroparesis) còn được gọi là chậm làm trống dạ dày hoặc nói cách khác là dạ dày bị chậm trong việc tự làm rỗng. Mỗi khi tiêu hoá thức ăn, cơ dạ dày có góp phần tham gia vào việc chi phối sự chuyển động của thức ăn được tiêu hóa một phần qua dạ dày để đi xuống ruột non.

Bệnh nhân tiểu đường gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu do tình trạng kháng insulin tăng cao.

Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh phế vị điều khiển cơ dạ dày, ảnh hưởng đến sự phối hợp của nhu động dạ dày, khiến thức ăn đọng lại trong dạ dày quá lâu, thậm chí gây mắc ói và ói mửa. Nhu động dạ dày là sự co bóp, phản ánh hoạt động sinh lý trong quá trình tiêu hóa thức.

Thực phẩm có GI thấp + GL thấp giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Bác sĩ Trịnh Hoằng Chí nói thêm, sau đó bác sĩ đã hỏi kỹ bệnh nhân và phát hiện ra rằng bệnh nhân đã cố gắng hết sức để duy trì thói quen ăn uống có chỉ số đường huyết GI thấp, nhưng vì lý do nào đó việc kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh nhân vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Trên thực tế, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, GI thấp không đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu, điều quan trọng hơn là giá trị của chỉ số GL.

GL là viết tắt của từ glycemic load, hiểu theo tiếng Việt có nghĩa là tải lượng đường huyết, thể hiện chỉ số hấp thụ tinh bột khi đi vào cơ thể chúng ta.

Giá trị GI đề cập đến mức độ ảnh hưởng của carbohydrate trong thực phẩm đến lượng đường trong máu, trong khi giá trị GL đề cập đến hàm lượng carbohydrate trong thực phẩm.

Giá trị GI càng cao thì thực phẩm sẽ làm tăng lượng đường trong máu càng nhanh; giá trị GL càng cao thì thực phẩm càng chứa nhiều carbohydrate.

Giá trị GL cung cấp đánh giá toàn diện hơn về hàm lượng carbohydrate trong thực phẩm và tác động thực tế của những carbohydrate này lên lượng đường trong máu.

Bác sĩ Trịnh Hoằng Chí giải thích rằng, nếu giá trị GI của thực phẩm rất cao nhưng giá trị GL lại rất thấp chẳng hạn như dưa hấu, cháo… sẽ cho thấy những carbohydrate trong các thực phẩm này có xu hướng làm tăng nhanh lượng đường trong máu, nhưng tổng lượng carbohydrate không nhiều. Do đó, tác động tổng thể lên lượng đường trong máu có thể sẽ tương đối ít.

Ngược lại, nếu giá trị GI của thực phẩm rất thấp nhưng giá trị GL lại cao chẳng hạn như cá viên, bánh quy giòn làm từ lúa mì nguyên hạt… thì cho thấy mặc dù những thực phẩm này tác động chậm hơn đến carbohydrate nhưng tổng lượng lại nhiều hơn và có thể có tác động lớn hơn đến lượng đường trong máu.

Các loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Nên muốn kiểm soát tốt lượng đường thì hãy chọn thực phẩm có giá trị GI và GL tương đối thấp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, rau củ và trái cây…

Bác sĩ Trịnh Hoằng Chí cho biết thêm, những thực phẩm này thường chứa nhiều chất xơ, protein và các loại dầu tốt cho sức khỏe, có thể làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu, tăng cảm giác no và tăng tốc độ tiêu hóa.

Chúng cũng chứa lượng đường tương đối thấp, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Còn chất xơ có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột và dạ dày từ đó cải thiện tình trạng liệt dạ dày.

Bình luận