Tắm lá trị mẩn ngứa, rôm sảy cho trẻ có hiệu quả?

VOH - Mẩn ngứa da, rôm sảy… thường xuất hiện vào mùa nóng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Để cải thiện tình trạng này, nhiều người đã chọn tắm lá theo phương pháp dân gian.

Theo dân gian, sử dụng lá của một số loại cây để tắm (lá khổ qua, lá khế, lá chè xanh, lá trầu không…) có thể giảm bớt ngứa, cải thiện tình trạng mẩn ngứa và rôm sảy... thường gặp vào mùa nắng nóng. Phương pháp này có hiệu quả hay không và cần lưu ý gì nếu sử dụng?

Bác sĩ Đinh Hồng Cẩm (Bác sĩ CK1 Nội tổng quát, CK1 Da liễu, Giám đốc chuyên môn DR REJU Beauty Medi) sẽ giúp bạn đọc VOH giải đáp thắc mắc này.

tam-la-tri-man-ngua-voh
Việc tắm bằng một số loại lá như lá chè xanh, lá mướp đắng, lá khế có thể góp phần cải thiện tình trạng mẩn ngứa, rôm sảy... thường gặp vào mùa nóng - Ảnh: Internet

Theo bác sĩ Đinh Hồng Cẩm, việc sử dụng các loại lá như lá chè xanh, lá khế, lá mướp đắng… có thể giúp chúng ta giảm bớt tình trạng ngứa và cải thiện mẩn ngứa cho trẻ bị rôm sảy vào mùa nắng nóng.

Bởi vì trong thành phần của các loại cây này có chứa chất kháng sinh tự nhiên giúp sát trùng, kháng khuẩn cho làn da.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh, khi sử dụng chúng ta cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất, không tắm nước lá cho trẻ khi da bé có các dấu hiệu như bị trầy xước, mưng mủ, sưng đỏ, viêm nặng. Bởi vì khi da đã ở trong tình trạng này thì có nghĩa da đã mất đi lớp màng bảo vệ. Việc tắm lá (dù đã qua bước nấu lá) vẫn có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập và làm cho tình trạng nhiễm trùng tăng lên. Việc này có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Thứ hai, dù dùng bất kỳ loại lá nào để tắm cho trẻ thì cha mẹ cũng nên ngâm rửa những loại lá đó qua nước muối hoặc là thuốc tím thật sạch trước khi xay giã hoặc đun nấu. Bởi vì các loại lá này đều có thể chứa bụi bẩn, vi khuẩn gây hại. Thậm chí, chúng còn có thể tồn đọng những thành phần thuốc trừ sâu trên mặt lá từ đó gây nên tình trạng kích ứng cho làn da của bé.

Thứ ba, cần tắm cho trẻ bằng sữa tắm chuyên dụng trước. Vì các loại lá này không thể hòa tan chất nhờn trên da mà chỉ có thể làm mát hoặc là bổ trợ những loại kháng sinh tự nhiên.

Thứ tư, sau khi tắm lá xong cha mẹ nên tắm lại cho bé bằng nước ấm. Mục đích là để rửa trôi những chất, những lượng bột của lá còn tồn đọng trên làn da của trẻ, tránh gây nhiễm trùng hoặc bít tắc cho da.

Bác sĩ Đinh Hồng Cẩm

Bác sĩ CK1 Nội tổng quát, CK1 Da liễu

Giám đốc chuyên môn DR REJU Beauty Medi

benh-ngoai-da-mua-nang-banner

Theo dõi VOH Khỏe để cập nhật thêm nhiều thông tin, kiến thức hữu ích!

Bình luận