Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, suy thận là tình trạng chức năng thận suy giảm và thường được nhận biết khi chức năng thận giảm trên 70%, vì các dấu hiệu bên ngoài không rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Suy thận có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và được chia thành hai loại: suy thận cấp và suy thận mạn. Trong đó, suy thận mạn là bệnh lý có tiến triển kéo dài và đa số người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn cho biết, việc thức khuya không trực tiếp gây suy thận. Nhưng nếu thường xuyên thức khuya, cơ thể dễ gặp các rối loạn như tăng huyết áp, đái tháo đường, stress. Những yếu tố này kéo dài sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng thận và làm tăng nguy cơ suy thận.
Ngoài ra, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi. Nếu bạn ngủ ít vào ban đêm nhưng có thể ngủ bù trong ngày và đảm bảo ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, thì vẫn được xem là một giấc ngủ vừa đủ.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.