Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tìm hiểu về cúm A - loại virus có thể lây lan thành dịch bệnh

(VOH) – Cúm A là bệnh nhiễm virus dễ lây lan, có thể gây ra biến chứng nếu không được điều trị. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn có thể nhận biết cúm A để điều trị và phòng ngừa sớm.

1. Cúm A là bệnh gì?

Cúm (bệnh cúm) là một bệnh truyền nhiễm do virus tấn công vào đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm cho người được phân thành 3 nhóm chính là: cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A là loại cúm nghiêm trọng nhất, có thể gây ra các đợt bùng phát dịch trên diện rộng.

Các triệu chứng thông thường của bệnh cúm A, rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh cảm lạnh. Một vài trường hợp nhẹ, bệnh cúm A có thể tự khỏi mà không có triệu chứng nghiêm trọng, nhưng các trường hợp nặng của bệnh cúm A có thể đe dọa đến tính mạng.

Cúm A được tìm thấy ở nhiều loài, bao gồm cả người, chim và lợn. Do sự đa dạng của các vật chủ và khả năng biến đổi gen trong thời gian ngắn nên virus cúm A có thể được chia nhỏ thành nhiều chủng.

tim-hieu-ve-cum-a-loai-virus-co-the-lay-lan-thanh-dich-benh-voh-1
Cúm A là loại cúm phổ biến gây bệnh trên người (Nguồn: Internet)

Các nhà khoa học phân chia cúm A thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau. Cách phân nhóm của virus cúm A dựa trên sự kết hợp của 2 protein trên bề mặt virus là: hemagglutinin (H) và neuraminidase (N).

Có khoảng 18 nhóm H và 11 nhóm N khác nhau. Một số nhóm virus cúm A phổ biến bao gồm:

  • Cúm A/H1N1
  • Cúm A/H5N1
  • Cúm A/H2N2
  • Cúm A/H3N2
  • Cúm A/H7N9

Virus cúm A thường xuất hiện theo mùa, phổ biến nhất là vào những tháng cuối năm (chuyển giao thu sang đông).

Xem thêm: Những điều bạn có thể chưa biết về virus cúm A/H1N1 và cách phòng ngừa

2. Cúm A lây qua đường nào?

Cúm A rất dễ lây lan từ người sang người qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.

Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm A do tiếp xúc hoặc chạm tay vào các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Virus cúm A sau khi bám vào cơ thể sẽ xâm nhập vào bên trong qua màng nhầy của mũi, mắt hoặc miệng. Chính vì thế, việc giữa khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người đang bị cúm (tối thiểu là 2 mét) và việc rửa tay thường xuyên, kỹ lưỡng sẽ làm hạn chế sự lây lan của virus cúm.

3. Các triệu chứng cúm A phổ biến

Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm do virus cúm A gây nên thường xảy ra với các triệu chứng khởi phát đột ngột. Những dấu hiệu phổ biến nhất của nhiễm trùng cúm bao gồm:

  • Ho
  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Hắt xì
  • Đau họng
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
tim-hieu-ve-cum-a-loai-virus-co-the-lay-lan-thanh-dich-benh-voh-2
Sốt là biểu hiện thường gặp nhất khi bị nhiễm virus cúm A (Nguồn: Internet)

Đôi khi các triệu chứng cúm A có thể tự hết. Tuy nhiên, một số trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài hơn một tuần mà không có sự cải thiện. Lúc này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

4. Cúm A có nguy hiểm không?

Cúm vốn không phải là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, nững bệnh nhân bị cúm nặng, hoặc các đối tượng có nguy cơ cao như người có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già và đặc biệt là trẻ em bị cúm thì cần phải hết sức thận trọng. Các triệu chứng cúm A có thể tiến triển nặng hơn ở những đối tượng này và gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng tai
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Chóng mặt
  • Đau bụng
  • Đau ngực
  • Hen suyễn
  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Các vấn đề tim mạch
  • Một số trường hợp hiếm hoi, bệnh cúm A có thể gây chết người.

Xem thêm: Đây chính là ‘thủ phạm’ gây bệnh viêm phổi, ai thường ho, sốt, khó thở,…phải biết để phòng tránh

5. Chẩn đoán và điều trị cúm A

Trước khi điều trị cúm A, bác sĩ sẽ phải kiểm tra cơ thể người bệnh để đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như xác định chính xác loại virus mà người bệnh bị nhiễm.

Loại xét nghiệm thường được áp dụng nhiều nhất là xét nghiệm chẩn đoán xác định. Bác sĩ sẽ lấy dịch hầu họng của bệnh nhân để xét nghiệm virus cúm A (H1N1; H5N1; H7N9).

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể áp dụng thêm một vài xét nghiệm khác và các chẩn đoán dựa trên triệu chứng để có thể đưa ra được kết luận chính xác nhất.

tim-hieu-ve-cum-a-loai-virus-co-the-lay-lan-thanh-dich-benh-voh-3
Nghỉ ngơi và uống nhiều nước có thể khiến bệnh cúm nhanh khỏi (Nguồn: Internet)

Cho đến hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể tiêu diệt virus cúm. Các phương pháp điều trị chủ yếu là giúp làm giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể người bệnh có thể loại bỏ virus một cách tự nhiên.

Tuy vậy, phần lớn trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Những loại thuốc kháng virus sẽ có tác dụng làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác. Đồng thời cũng giúp làm chậm quá trình lây nhiễm.

Ngoài việc dùng thuốc, người bị nhiễm virus cúm A cũng có thể áp dụng các mẹo chữa bệnh cúm theo dân gian để làm giảm các triệu chứng cúm.

6. Phòng ngừa cúm A như thế nào?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm A là thực hiện tiêm chủng hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng vắc-xin cúm có thể giúp bảo vệ cơ thể, chống lại 3 – 4 loại virus khác nhau trong mùa cúm năm đó.

Ngoài ra, để phòng ngừa cúm A, mỗi người đều phải thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân như:

  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
  • Hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là trong những thời điểm dịch bùng phát.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Khi bị sốt nên ở nhà nghỉ ngơi, ít nhất là 24 giờ.

Nhìn chung, cúm A là một bệnh nhiễm trùng cần thận trọng vì chúng rất dễ lây lan và gây ra các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù các triệu chứng cúm A có tự cải thiện mà không cần dùng thuốc, tuy nhiên, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn với một vài nhóm đối tượng. Vì thế, nếu bạn đang bị cúm, tốt nhất hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Bình luận