Bệnh cúm là một bệnh nhiễm virus ảnh hưởng đến mũi, họng, phổi và các bộ phận khác của cơ thể.
Hệ miễn dịch của trẻ em còn non yếu. Hơn nữa, trẻ thường xuyên tiếp xúc với nhiều người trong môi trường học tập và vui chơi, do đó rất dễ mắc cúm.
Đối với người lớn, cúm thường không quá nghiêm trọng và có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị. Nhưng diễn biến bệnh ở trẻ em thường phức tạp và khó lường hơn, nên cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Dưới đây là 2 phương pháp chủ yếu để chữa cúm cho trẻ em, cha mẹ cần kết hợp cả 2 phương pháp, phối hợp với bác sĩ để điều trị cúm cho bé hiệu quả.
1. Phương pháp dùng thuốc
Chữa cúm cho trẻ có thể thực hiện tại nhà nhưng không nên tự ý mua thuốc uống mà cần có bác sĩ chuyên khoa khám và kê đơn. Thuốc điều trị cúm chia làm 2 loại.
1.1 Điều trị nguyên nhân
Cúm có nguyên nhân gây bệnh là virus bởi vậy không dùng kháng sinh để điều trị, trừ trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn. Loại thuốc được dùng là thuốc kháng virus hoặc huyết thanh chống cúm.
Thuốc kháng virus cúm có nhiều dạng, bao gồm thuốc viên, nước và dạng xịt, có những loại thuốc dành cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi.
Những loại thuốc này làm chậm hoặc ngăn chặn khả năng sinh sản của virus cúm trong cơ thể. Chúng có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như rút ngắn thời gian con bị ốm.
Thuốc có một số tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn nôn và nôn. Một số loại thuốc đôi khi có thể gây mê sảng hoặc các phản ứng không mong muốn khác.
Các loại thuốc điều trị cúm ở trẻ em đều là thuốc kê đơn, cần được sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua sử dụng.
1.2 Điều trị triệu chứng
Dựa vào độ tuổi, cân nặng và các triệu chứng của cúm mà trẻ đang gặp phải, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Các nhóm thuốc thường sử dụng:
- Thuốc hạ sốt: có một số thuốc hạ sốt là thuốc không kê đơn (OTC), nhưng liều lượng và đường dùng của trẻ em không giống người lớn bởi vậy nên tham khảo ý kiến của bác sĩ
- Bù nước bù điện giải: trẻ sốt cao dẫn tới nguy cơ mất nước, mất điện giải, đây là một trong các triệu chứng nguy hiểm, đáng chú ý và cần được quan tâm nhất ở trẻ em.
- Long đờm: trường hợp bé có nhiều đờm và có thể ảnh hưởng đến đường thở.
- Ngoài ra, sử dụng các phương pháp dân gian: xông, ăn cháo hành, tía tô, tỏi, ...
Lưu ý:
- Thuốc ho thường không được coi là cần thiết đối với trẻ em, nó có thể có một số tác dụng phụ.
- Không bao giờ được cho trẻ từ 18 tuổi trở xuống uống aspirin. Aspirin có thể gây ra một chứng rối loạn hiếm gặp được gọi là hội chứng Reye ở trẻ em.
Xem thêm: Làm cách nào hạ sốt nhanh khi trẻ sốt cao trên 39 độ ?
2. Phương pháp không dùng thuốc
Bệnh cúm có thể diễn ra trong tối đa hai tuần. Ngay cả sau khi các triệu chứng ban đầu giảm bớt, bé vẫn còn cảm thấy mệt mỏi. Dưới đây là một số cách vừa giúp cải thiện các triệu chứng của cúm vừa hồi phục sức khỏe cho trẻ.
2.1 Cung cấp nhiều nước
Sốt có thể dẫn đến mất nước. Cho trẻ uống đủ nước để bù lượng nước đã mất. Trẻ thường không cảm thấy khát và không muốn uống. Vì vậy, điều quan trọng là phải khuyến khích con uống nhiều nước.
Tình trạng mất nước có thể rất nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Gọi cho bác sĩ nhi khoa nếu nghi ngờ em bé bị mất nước. Một số dấu hiệu bao gồm:
- Không có nước mắt khi khóc
- Môi khô
- Thóp bị lõm vào
- Giảm hoạt động
- Đi tiểu ít hơn 3 - 4 lần trong 24 giờ
Nếu trẻ còn bú sữa mẹ, hãy cố gắng cho trẻ bú thường xuyên hơn bình thường. Trẻ có thể ít thích bú mẹ hơn nếu bị ốm. Mẹ nên cố gắng cho bú nhiều lần, mỗi lần một ít, để bé tiêu thụ được nhiều sữa.
2.2 Làm thông mũi bị nghẹt
Thuốc xịt mũi không được khuyến khích cho trẻ nhỏ. Có một số cách dễ dàng để làm thông mũi mà không cần dùng thuốc.
Sử dụng máy tạo ẩm dạng phun sương, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ mũi bằng nước muối để làm loãng chất nhầy, sau đó mẹ dùng dụng cụ hút nước mũi ra cho bé.
Đảm bảo vệ sinh cẩn thận máy tạo ẩm, dụng cụ hút giữa các lần sử dụng để ngăn nấm mốc phát triển.
2.3 Làm dịu cơn ho bằng mật ong
Nếu con trên 1 tuổi, hãy thử cho uống mật ong để trị ho thay vì dùng thuốc. Uống 2 - 5ml mật ong mỗi lần, 2 - 3 lần trong ngày.
Các nghiên cứu cho thấy mật ong an toàn và hiệu quả hơn thuốc ho cho trẻ trên 1 tuổi. Không nên cho trẻ em dưới một tuổi uống mật ong vì có thể gây ngộ độc.
2.4 Chườm ấm
Mặc nhiều quần áo và đắp chăn dày hoặc nhiều lớp sẽ không tốt nếu bé đang sốt. Thay vào đó, mặc đồ thoải mái, đắp chăn mỏng, nghỉ ngơi trong phòng kín, chườm ấm để giúp bé hạ nhiệt.
2.5 Súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Trẻ bị cúm thường sẽ có các triệu chứng đau họng, chảy nước mũi. Mẹ nên chú ý vệ sinh kĩ cả tai, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để ngăn các vùng này lây bệnh cho nhau.
Đồng thời, vệ sinh sạch sẽ cũng hạn chế nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, gây viêm họng, viêm tai giữa hoặc viêm mũi.
2.6 Chế độ ăn
Nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau củ để bổ sung vi chất. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C tăng sức đề kháng cho trẻ.
Xem thêm: Những cách chữa cúm theo dân gian có thể áp dụng tại nhà cho trẻ
3. Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nên đưa bé tới bệnh viện
Đôi khi, ngay cả sự chăm sóc tốt nhất tại nhà cũng không đủ để giúp trẻ hồi phục hoàn toàn. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Sốt trên 38°C trong hơn hai ngày hoặc sốt từ 40°C trở lên trong bất kỳ khoảng thời gian nào.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt từ 38°C trở lên.
- Sốt không thuyên giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt được bác sĩ kê đơn.
- Sốt tăng vọt sau khi hết sốt ban đầu.
- Có vẻ buồn ngủ hoặc hôn mê bất thường.
- Bỏ ăn.
- Thở khò khè hoặc khó thở.
- Các triệu chứng mất nước, không chịu uống hoặc bú
4. Phòng cúm cho trẻ em
Cúm rất dễ lây, nhất là trong môi trường học đường. Bởi vậy, các biện pháp phòng ngừa không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thực hiện tốt các biện pháp dưới đây sẽ hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh của trẻ.
4.1 Rửa tay
Khuyến khích bé và các thành viên khác trong gia đình rửa tay thường xuyên để ngăn chặn mầm bệnh. Nên rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc chạm vào trẻ.
Rửa với xà phòng và nước trong 20 giây, sau đó sấy khô 20 giây hoặc sử dụng dụng cụ nước rửa tay khô trong 20 giây.
Mua cho bé một loại nước rửa tay mà bé muốn sử dụng, chẳng hạn như một loại có mùi trái cây hoặc một chai có hình nhân vật hoạt hình để khuyến khích bé rửa tay thường xuyên.
4.2 Che khi ho và hắt hơi
Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc che miệng và mũi bằng khăn giấy. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng hoặc túi rác ngay sau đó, rửa và lau khô tay.
4.3 Làm sạch bề mặt
Cúm có thể sống trên bề mặt trong 24 giờ. Lau sạch tay nắm cửa, bàn và các bề mặt khác trong nhà bằng hydrogen peroxide, cồn tẩy rửa, chất tẩy rửa hoặc chất khử trùng gốc i-ốt.
4.4 Thực hiện cách ly
Giữ khoảng cách với những người bị bệnh, ít nhất là 2m. Giữ trẻ tránh xa những người có các triệu chứng giống như cúm, kể cả những người đang bị ho.
Nếu trẻ đang bị bệnh, hãy giữ chúng ở nhà, không đến trường học hoặc nhà trẻ cho đến khi trẻ khỏe trở lại.
Hướng dẫn trẻ không dùng chung đồ ăn, thức uống, dụng cụ khi ăn để tránh lây lan virus giữa trẻ và bạn bè.
Nếu cha mẹ và người thân bị cúm, hãy hạn chế tiếp xúc với trẻ càng nhiều càng tốt, tìm một người khác có thể thay thế để chăm soc trẻ.
4.5 Đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang che mũi và miệng. Điều này có thể giúp hạn chế sự lây lan của vi trùng khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Đồng thời cũng giữ ấm cho đường hô hấp trên của trẻ.
4.6 Tiêm vắc xin
Đưa tất cả các bé trên 6 tháng tuổi đi tiêm phòng. Vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không thể tiêm phòng nên điều quan trọng là tránh để trẻ tiếp xúc với những người có thể bị cúm.
Tất cả những người chăm sóc cũng nên tiêm ngừa cúm.
Cúm thực tế không phải là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, vẫn nên hết sức cẩn trọng nếu đối tượng bị bệnh là trẻ em. Khi trẻ bị cúm, hãy tìm sự hỗ trợ y tế, hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, việc chăm sóc tại nhà sao cho đúng và đủ cũng đóng một quan trọng trong chữa cúm ở trẻ em.