Viêm xoang ở trẻ nhỏ: Cách nhận biết và phòng ngừa

(VOH) – Không chỉ người lớn mới mắc bệnh viêm xoang, trẻ em cũng có nguy cơ bị bệnh. Bệnh viêm xoang ở trẻ em nếu không được điều trị kịp sẽ gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Viêm xoang là gì? Vì sao trẻ em thường bị viêm xoang?

Theo BSCKII Phan Thị Thảo (PGĐ BV Tai-Mũi-Họng Sài Gòn) xoang có cấu trúc là những khoang rỗng, rất nhỏ, được bao phủ bởi lớp niêm mạc. Bình thường những khoang rỗng này chỉ chứa không khí và được làm khô do có thông khí vào. Tuy nhiên, nếu những khoang rỗng này bị ứ dịch hoặc vì một lý do nào đó bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến viêm xoang.

Không chỉ phổ biến ở người lớn, viêm xoang cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ em, do cấu tạo hốc mũi của trẻ em thường rất nhỏ, nếu bé bị sổ mũi nhưng không được chăm sóc sẽ bị ứ dịch. Dịch ứ nếu kéo dài trong vòng từ 4 – 6 tiếng sẽ dẫn đến nhiễm trùng và gây phù nề. Tình trạng lặp đi lặp lại liên tục sẽ làm các lỗ thông từ trong xoang ra lỗ mũi bị bít nghẹt và gây ra tình trạng viêm xoang.

viem-xoang-o-tre-nho-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-voh

Trẻ em rất dễ bị viêm xoang (Nguồn: Internet)

Bệnh viêm xoang ở trẻ em thường khởi đầu bằng cách bệnh lý như:

  • Viêm đường hô hấp trên.
  • Bị viêm mũi dị ứng.
  • Trào ngược thực quản dạ dày.
  • Có những bất thường về cấu trúc giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn, VA vòi,...
  • Có dị vật mũi.
  • Bị viêm VA

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị viêm xoang do các yếu tố môi trường tác động như: khói bụi, môi trường sống bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, bếp than,...

Triệu chứng viêm xoang ở trẻ nhỏ

BS Phan Thị Thảo cho biết, triệu chứng viêm xoang và viêm đường hô hấp gần giống như nhau, các triệu chứng thường là:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Chảy mũi
  • Ho lặp đi lặp lại.

Đây là những triệu chứng chung của viêm đường hô hấp cũng như bệnh viêm xoang ở trẻ em. Để phân biệt, ba mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ khoa tai – mũi – họng. Tại đây, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện nội soi mũi, hoặc một số trường sẽ tiến hành chụp CT, chụp X-quang (chụp X-quang và chụp CT ở trẻ em thường không được chỉ định thường xuyên) để chẩn đoán bệnh.

Phân biệt viêm xoang cấp và mạn tính

Thông thường, bệnh viêm xoang sẽ được chia thành 2 dạng đó là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn. Các triệu chứng viêm xoang cấp và mạn gần như giống nhau. Tuy nhiên, về thời gian xảy ra các triệu chứng sẽ có sự khác biệt cụ thể:

Viêm xoang cấp

Viêm xoang mạn

  • Trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, kèm theo sốt.
  • Thời gian bệnh kéo dài từ 2 – 3 tuần.
  • Tuần suất tái phát: Dưới 4 lần/năm.
  • Trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, không kèm theo sốt.
  • Thời gian bệnh kéo dài từ 4 – 6 tuần.
  • Tuần suất tái phát: Trên 6 lần/năm.

Điều trị viêm xoang ở trẻ em như thế nào?

Theo BSCKII Phan Thị Thảo, trẻ bị viêm xoang đa phần sẽ được điều trị nội khoa, nguyên nhân là do những em bé dưới 15 tuổi khuôn mặt bé vẫn còn phát triển, việc áp dụng các phương pháp ngoại khoa quá sớm có thể làm phá vỡ một số phát triển bình thường của khối sọ mặt, gây ra những sẹo bất thường trong mũi. Đôi khi những sẹo này lại gây ứ đọng dịch do quá trình phát triển khối sọ mặt và gây ra viêm xoang.

viem-xoang-o-tre-nho-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-2-voh

Điều trị viêm xoang cho trẻ chủ yếu bằng nội khoa (Nguồn: Internet)

Do vậy, khoảng 90 – 95% các trường hợp trẻ bị viêm xoang sẽ được điều trị nội khoa. Khi thực hiện điều trị nội khoa người bệnh cần phải tuân thủ rất chặt chẽ về thời gian uống thuốc, liều lượng thuốc và những chăm sóc mũi sau khi điều trị ổn định viêm xoang, để đảm bảo bệnh không tái phát.

Bên cạnh đó, có từ 5 – 10% trẻ bị viêm xoang sẽ được chỉ phẫu thuật nếu trong quá trình chụp CT hoặc chụp X-quang bác sĩ tìm thấy những bất thường trong hốc mũi. Ngoài ra, trong trường hợp trẻ có polyp trong mũi khiến mũi của trẻ bị nghẹt liên tục và tình trạng ứ đọng dịch không giải quyết được thì bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định can thiệp phẫu thuật.

Xem thêm: 5 nguyên nhân gây viêm xoang có thể nhiều người không biết

Chăm sóc trẻ bị viêm xoang như thế nào?

Trẻ bị viêm xoang có thể được chăm sóc tại nhà hoặc tại bệnh viện, phòng khám.

Chăm sóc trẻ tại nhà

  • Dạy trẻ cách hỉ mũi: Tập cho trẻ thói quen hỉ mũi từng bên. Nếu bị nghẹt mũi thì có thể dùng các loại nước muối sinh lý để làm nước mũi loãng và dễ hỉ. Không nên hỉ mũi cùng lúc 2 bên vì sẽ không tạo được áp lực để đẩy dịch mũi ra ngoài mà nó có thể đẩy dịch mũi vào lỗ thông với lỗ tai, gây ra tình trạng viêm tai.

Rửa mũi trẻ bằng nước muối sinh lý (Nguồn: Internet)

  • Rửa mũi hoặc nhỏ mũi bằng dung dịch hoặc nước muối sinh lý:  Hiện trên thị trường có nhiều loại nước muối sinh lý khác nhau, tùy theo nhu cầu và điều kiện mà ba mẹ lựa chọn loại nước muối sinh lý phù hợp cho bé.

Lưu ý: Đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi ba mẹ cần chăm sóc mũi, rửa mũi cho bé trước khi cho bé bú hoặc trước khi bé ngủ khoảng từ 10 – 15 phút. Việc làm thông thoáng đường mũi sẽ giúp bé dễ thở, ăn ngon, ngủ ngon, quá trình hấp thu cũng tốt hơn. Chính điều này sẽ giúp tạo ra những kháng thể để chống lại những vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp.

Chăm sóc tại phòng khám, bệnh viện

Nếu chăm sóc mũi tại các phòng khám bệnh viện sẽ rất an toàn và đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện việc làm thông thoáng đường thở cho bé nên có chỉ định của bác sĩ để tránh làm cho bé sợ hãi hoặc gây phù nề nhiều hơn trong hốc mũi.

Phòng ngừa viêm xoang cho trẻ bằng cách nào?

BSCKII Phan Thị Thảo cho biết, ba mẹ có thể phòng ngừa viêm xoang cho trẻ bằng nhiều cách, chẳng hạn như:

  • Chăm sóc vệ sinh mũi cho trẻ hằng ngày.
  • Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ và đa dạng.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ là điều quan trọng, đặc biệt là 2 bàn chân.

Nhìn chung, viêm xoang ở trẻ em là bệnh khá thường gặp và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Vì thế, ba mẹ cần đặc biệt lưu tâm trong việc chăm sóc cũng như nhận diện các triệu chứng bệnh của con để có thể đưa bé đi thăm khám và điều trị kịp thời.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn ở trẻ em và cách điều trị : Hen suyễn là 1 vấn đề cần phải được quan tâm đúng mực, nhất là với trẻ em, bởi tỷ lệ trẻ mắc bệnh hen suyễn đang ngày càng tăng cao. Vậy hen suyễn ở trẻ em là bệnh lý như thế nào?

Viêm VA ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị : Viêm VA ở trẻ em một bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể trở thành mãn tính, kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.