Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Viêm phổi là bệnh gì? Nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ mắc bệnh?

VOH - Viêm phổi là bệnh khả năng đe dọa đến tính mạng con người. Việc hiểu rõ nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là vô cùng quan trọng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Viêm phổi là bệnh gì?

Viêm phổi là tình trạng bệnh lý thường gặp do bị nhiễm trùng ở phổi. Viêm phổi bao gồm các tình trạng bị viêm phế nang (túi chứa khí), ống phế nang (ống dẫn khí) và phế quản, làm ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của phổi.

Phổi có chức năng cung cấp oxy cho cơ thể, do đó khi bị viêm phổi sẽ làm giảm đi lượng oxy, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.

Có 3 nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp đó là:

  • Do vi khuẩn (vi trùng)
  • Do virus (virus cúm, virus Covid-19…)
  • Do nấm men

Viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

nguyen-nhan-doi-tuong-bi-viem-phoi-voh
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi - Ảnh: Canva

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi?

Thông thường, những người có sức đề kháng kém hoặc sức đề kháng chưa đầy đủ sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao có thể kể đến như:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi: Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, vì vậy khi bé vô tình tiếp xúc với yếu tố gây bệnh (vi khuẩn, virus) thì có thể nhiễm bệnh.
  • Người cao tuổi: Hệ miễn dịch của người cao tuổi thường bị suy giảm, đặc biệt khi thời điểm thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh.
  • Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể phụ nữ sẽ bị suy yếu, đồng thời các chức năng trong cơ thể phải làm việc nhiều hơn để nuôi thai nhi. Đây chính là yếu tố khiến cho phụ nữ mang thai dễ bị viêm phổi.
  • Người mắc bệnh lý mãn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, tắc nghẽn mãn tính…
  • Người bị bệnh AIDS.
  • Người bị ghép tạng hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị của những bệnh lý ác tính.
  • Người dùng thuốc ức chế miễn dịch Corticoid.
  • Người nghiện thuốc lá/tiếp xúc với khói thuốc/sống trong môi trường ô nhiễm.
  • Người chăm sóc bệnh nhân trong phòng đặc biệt.

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

voh-viem-phoi

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.