Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nguyên nhân trẻ bị viêm phổi mẹ cần biết để phòng cho con

(VOH) - Bệnh viêm phổi ở trẻ nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất – hơn cả HIV/AIDs, sởi và sốt rét cộng lại. Vậy ba mẹ đã nắm rõ nguyên nhân trẻ bị viêm phổi để hạn chế nguy cơ mắc bệnh chưa?

Viêm phổi trẻ em là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi (bao gồm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức nang liên kết và tiểu phế quản tận) kèm theo tăng tiết dịch, khiến nhu mô phổi bị đông đặc. Triệu chứng chung của bệnh thường là sốt (38 - 40 độ C), ho, sổ mũi kèm thở khò khè, khó thở,… 

nguyen-nhan-tre-bi-viem-phoi-me-can-biet-de-phong-cho-con-voh-1
Tổn thương tại phổi trong bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu trẻ bị viêm phổi ở các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu trẻ phải nhập viện. 

Dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

1. Nguyên nhân trẻ bị viêm phổi

Có hai loại viêm phổi thường gặp ở trẻ em là viêm phế quản phổi và viêm phổi thùy với các tổn thương giải phẫu bệnh và nguyên nhân khác nhau.

1.1 Viêm phế quản phổi

Viêm phế quản phổi thường do những nguyên nhân chính sau đây:

  • Virus: Viêm phế quản phổi 60 - 70% là do virus. Tùy theo mùa, theo tuổi và theo vụ dịch sẽ gặp các virus khác nhau: virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, Adenovirus…
  • Vi khuẩn: Ở các nước đang phát triển, viêm phế quản phổi do vi khuẩn còn phổ biến. Các loại vi khuẩn thường gặp là phế cầu (Streptococcus pneumoniae), Hemophilus inluenzae. Tiếp theo là tụ cầu, liên cầu, E.Coli, Klebsiella pneumococcus và các loại vi khuẩn khác.
  • Mycoplasma: Có các đặc điểm chung của cả virus và vi khuẩn, gây ra các trường hợp viêm phổi nhẹ.
  • Kí sinh trùng: Pneumocystic carinii thường gây viêm phế quản phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Theo các tài liệu của các nước thì viêm phế quản phổi do Pneumocystic carinii gặp vào khoảng 1% các trường hợp.
  • Nấm: Thường gặp nhất là nấm Candida albicans gây tưa miệng có thể phát triển xuống phế quản, phổi, gây viêm phế quản phổi do nấm. Các loại nấm khác như Aspegillus, Blastomyces, Coccidioidomyces, Histoplasmosis… đều có gây viêm phế quản phổi, nhưng ít gặp hơn.

Xem thêm: 5 dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi, phát hiện càng sớm càng tốt

1.2 Viêm phổi thùy

Viêm phổi thùy do nhiều loại vi khuẩn, virus và có thể cả kí sinh trùng gây nên nhưng thường gặp nhất là do phế cầu.

Viêm phổi thùy do phế cầu thường gặp ở trẻ em trên 3 tuổi, gặp nhiều vào mùa đông xuân (thời kì có tỉ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cao nhất).

Người lành mang phế cầu ở họng không có triệu chứng đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh hơn cả bản thân người bệnh. 

nguyen-nhan-tre-bi-viem-phoi-me-can-biet-de-phong-cho-con-voh-2
Hình ảnh phế cầu (Nguồn: Internet)

Hiện nay người ta đã phân lập được nhiều tuyp phế cầu gây bệnh nhưng trẻ em hay gặp nhất là các tuyp 14,16 và 19. Các tuyp này có thể có sẵn trong trong mũi họng trẻ hoặc do xâm nhập từ bên ngoài vào, khi gặp điều kiện thuận lợi (cơ thể suy yếu, nhiễm virus, thời tiết lạnh…) sẽ gây bệnh.

Viêm phổi do phế cầu có thể gây ra thành dịch ở  các nhà nuôi dưỡng. mẫu giáo, trường học… hoặc cũng có thể mắc lẻ tẻ, rải rác.

2. Độ tuổi trẻ dễ mắc bệnh viêm phổi

Viêm phổi là bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ tỷ lệ tử vong do viêm phổi càng cao. Dưới đây là những độ tuổi mà trẻ dễ mắc phải.

  • Trẻ trên 5 tuổi: thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.
  • Trẻ dưới 5 tuổi: thường gặp viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB. HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây ra viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus...do mẹ truyền qua.

Xem thêm: Những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm vacxin phế cầu Synflorix

3. Các yếu tố nguy cơ của viêm phổi

Viêm phổi thường gặp hơn ở những trẻ sau đây:

  • Trẻ dưới một tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
  • Trẻ sinh thiếu cân (dưới 2500g).
  • Nuôi dưỡng kém, thiếu sữa mẹ, suy dinh dưỡng, còi xương…
  • Bị các bệnh hô hấp mạn tính như viêm mũi họng, viêm VA, hen phế quản, sau sởi, ho gà, các bệnh nhiễm khuẩn khác: cúm, thủy đậu.
  • Trẻ có cơ địa dị ứng, thể tạng tiết dịch...
  • Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở người lớn.
nguyen-nhan-tre-bi-viem-phoi-me-can-biet-de-phong-cho-con-voh-2
Khói thuốc làm tăng nguy cơ viêm phổi cho trẻ em (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, môi trường sống cũng ảnh hưởng đến việc mắc viêm phổi của trẻ, trẻ sống ở các điều kiện dưới đây sẽ dễ bị viêm phổi hơn:

  • Khí hậu lạnh, thời tiết thay đổi, độ ẩm cao.
  • Vệ sinh môi trường ô nhiễm, nhà ở chật chội, ẩm thấp, khói bếp, bụi và các ô nhiễm khác.
  • Các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém.
  • Nhà trẻ, chung cư... cũng là những nơi trẻ dễ lây nhiễm viêm phổi.

4. Con đường lây truyền của viêm phổi

Viêm phổi có thể lây truyền từ người bệnh sang những người xung quanh thông qua những hạt nước bọt nhỏ li ti bắn ra khi ho, hắt hơi hay nói chuyện...

Ngoài ra, việc dùng chung ly uống nước và đồ dùng ăn uống, chạm vào khăn giấy, khăn tay mà người bị nhiễm bệnh dùng hoặc tiếp xúc với bề mặt có virus hay vi khuẩn gây bệnh cũng có thể lây lan viêm phổi. Do đó, hãy giữ bé tránh xa bất kỳ ai có các dấu hiệu bị nhiễm trùng đường hô hấp như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, ho…

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan và có thể đe dọa tới tính mạng do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Trẻ thường dễ mắc bệnh viêm phổi do hệ thống miễn dịch còn yếu, có tiền sử mắc bệnh hay có các tác nhân từ yếu tố bên ngoài. Cha mẹ hãy chú ý chăm sóc và phòng tránh viêm phổi cho trẻ, nhất là trong mùa dịch.

Bình luận