Chờ...

Những điều cần biết về viêm phổi kẽ

(VOH) - Viêm phổi là căn bệnh mà ai cũng biết, thế nhưng khi nhắc đến viêm phổi kẽ thì nhiều người thấy khá lạ lẫm và chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Vậy viêm phổi kẽ là gì, có nguy hiểm không?

1. Bệnh viêm phổi kẽ là gì?

Viêm phổi kẽ là thuật ngữ chỉ những bệnh phổi có tổn thương ở khoảng kẽ ở phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu). Những tổn thương ở các kẽ phổi bị nhiễm khuẩn gây nên bệnh. Những tổn thương thường có chung các triệu chứng lâm sàng, tiến triển mạn tính và hay dẫn đến xơ phổi, có hoặc không có căn nguyên.

Viêm phổi kẽ đặc trưng bởi sự tiến triển của các mô sẹo. Các sẹo này có thể làm cho phổi bị xơ hóa, cứng lại và suy giảm chức năng thở, hấp thụ vào máu.

nhung-dieu-can-biet-ve-viem-phoi-ke-voh-1

Viêm phổi kẽ là gì? (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân viêm phổi kẽ

Các nhà khoa học cho rằng virus, vi khuẩn, nấm là tác nhân chính làm cho mô tế bào bị viêm, lâu ngày khiến các kẽ phổi trở nên xơ hóa, tái cấu trúc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí của cơ thể.

Bệnh viêm phổi kẽ thường được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, bao gồm các bệnh tự miễn, tiếp xúc với các tác nhân hữu cơ và vô cơ trong nhà hoặc nơi làm việc, thuốc men và một số loại bức xạ. Trong một số trường hợp thì nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ.

Một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi kẽ:

2.1 Nghề nghiệp và các yếu tố môi trường

  • Tiếp xúc với sợi amiăng trong thời gian dài.
  • Tiếp xúc với vật nuôi và các sản phẩm chứa lông.
  • Tiếp xúc với bụi than, bụi hạt, bụi silica.

2.2 Thuốc và bức xạ

Một số bệnh nhân điều trị phóng xạ hoặc sử dụng nhiều các loại thuốc hóa trị liệu thì khả năng bị viêm phổi lẽ cao hơn những người khác.

2.3 Tuổi tác

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh viêm phổi kẽ càng lớn. 

2.4 Hút thuốc

Viêm phổi kẽ có nhiều khả năng xuất hiện ở những người có tiền sử hút thuốc lá. 

2.5 Di truyền

Trong gia đình có người mắc bệnh viêm phổi kẽ thì bạn có khả năng bị viêm phổi kẽ cao hơn so với những người khác.

3. Triệu chứng viêm phổi kẽ

Một số triệu chứng có thể cảnh báo bạn bị viêm phổi kẽ gồm có:

  • Khó thở: thường bắt đầu từ từ, khó thở gắng sức và tăng dần. 
  • Ho: thường là ho khan. Có thể gặp ho ra máu trong hội chứng chảy máu lan tỏa phế nang, bệnh van 2 lá.
  • Các triệu chứng hiếm gặp như thở rít, đau ngực.
  • Các triệu chứng ngoài phổi: sưng đau khớp, ngón tay dùi trống,…

Khi thăm khám có thể phát hiện các dấu hiệu ran nổ, ẩm nhỏ hạt ở đáy phổi 2 bên. 

4. Bệnh viêm phổi kẽ có nguy hiểm không?

Khi bị viêm phổi kẽ thì trong phổi sẽ hình thành một mô sẹo. Nếu không thăm khám và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một loạt các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm:

4.1 Mức độ oxy trong máu thấp (thiếu oxy)

Bệnh viêm phổi kẽ làm giảm lượng oxy đi vào máu và giảm nồng độ oxy máu nên có khả năng nồng độ oxy trong máu thấp hơn bình thường. Thiếu oxy nghiêm trọng có thể phá vỡ chức năng cơ bản của cơ thể. 

4.2 Tăng áp mạch phổi

Không giống như huyết áp cao, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến các động mạch trong phổi. Nó bắt đầu khi mô sẹo gây hạn chế các mạch máu nhỏ nhất, hạn chế lưu lượng máu trong phổi. Điều này sẽ làm tăng áp suất trong động mạch phổi. Tăng áp động mạch phổi là một bệnh nghiêm trọng đối với sức khỏe.

4.3 Suy tim

Tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi buồng bên phải tim yếu hơn, phải bơm mạnh hơn bình thường để chuyển máu qua động mạch phổi bị tắc nghẽn. Cuối cùng, tâm thất phải suy thêm.

4.4 Suy hô hấp

Ở giai đoạn cuối, viêm phổi kẽ có thể gây suy hô hấp nghiêm trọng do nồng độ oxy trong máu thấp cùng với áp lực gia tăng ở các động mạch phổi gây suy tim.

Vì vậy, để phòng tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra thì khi có dấu hiệu của bệnh viêm phổi kẽ thì bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

nhung-dieu-can-biet-ve-viem-phoi-ke-voh-2

Khó thở là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi kẽ (Nguồn: Internet)

5. Cách chẩn đoán bệnh viêm phổi kẽ

Một số phương pháp, kĩ thuật sau đây có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh viêm phổi kẽ:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang phổi là phương pháp đầu tiên được áp dụng để đánh giá hầu hết những người có vấn đề về hô hấp. Hình ảnh X-quang ngực ở những người bị bệnh phổi kẽ có thể hiển thị các nếp nhăn ở phổi.
  • Chụp cắt lớp (CT scan): Máy quét CT phát ra nhiều tia X và máy tính sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi cũng như các cấu trúc xung quanh.
  • Chụp CT phân giải cao: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh phổi kẽ, họ sẽ điều chỉnh tính năng của máy quét CT để cải thiện hình ảnh của kẽ phổi, nhằm tăng khả năng quét của máy CT scan và phát hiện bệnh phổi kẽ.
  • Thử nghiệm chức năng phổi: Một người ngồi trong một buồng nhựa kín và thở qua một ống. Ở những người bị bệnh phổi kẽ, tổng dung tích phổi và khả năng vận chuyển oxy vào máu có thể bị giảm.
  • Nội soi phế quản: Bác sĩ dùng ống soi phế quản đưa qua miệng vào phổi và lấy một hoặc nhiều mẫu mô. Sau đó kiểm tra trong phòng thí nghiệm. 
  • Rửa phế quản: Trong thủ thuật này, bác sĩ tiêm nước muối qua soi phế quản và sau đó ngay lập tức hút nó ra. Dịch thu hồi có chứa các tế bào từ các phế nang.
  • Phẫu thuật ngực có video hỗ trợ (VATS): Bác sĩ sẽ luồn công cụ qua một vết rạch nhỏ và lấy mẫu từ nhiều vùng của mô phổi.

6. Cách điều trị bệnh viêm phổi kẽ

Bệnh viêm phổi kẽ thường được điều trị bằng những phương pháp sau đây:

6.1 Thuốc trị bệnh viêm phổi kẽ

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống viêm hay chống xơ. 

6.2 Liệu pháp oxy

Sử dụng oxy không thể ngăn chặn tổn thương phổi nhưng có thể mang lại một số lợi ích cho người bệnh như:

  • Giúp thở dễ dàng hơn.
  • Ngăn chặn hoặc làm giảm các biến chứng từ tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp.
  • Giảm huyết áp ở phía bên phải của tim.
  • Cải thiện giấc ngủ và giúp dễ chịu hơn.
  • Nhận được oxy khi ngủ hoặc tập thể dục.

6.3 Phẫu thuật

Cấy ghép phổi có thể là lựa chọn cuối cùng cho những người bị bệnh viêm phổi kẽ nghiêm trọng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

7. Chế độ sinh hoạt và ăn uống cho người bị viêm phổi kẽ

Hãy thực hiện một số điều sau đây để điều trị viêm phổi kẽ đạt hiệu quả:

7.1 Chế độ sinh hoạt

  • Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
  • Duy trì luyện tập thể dục, thể thao đều độ, các bài tập phải phù hợp với thể trạng sức khỏe. 
  • Giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
  • Tập hít thở đúng để cải thiện hơi thở.

7.2 Bệnh viêm phổi kẽ nên ăn gì?

Những người bị viêm phổi kẽ có thể bị sụt cân vì nó dẫn đến tình trạng ăn không ngon và cần nhiều năng lượng hơn để hô hấp. Do đó, người bệnh cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, có đứa đầy đủ calo. 

Khi dạ dày rỗng thường giúp chúng ta dễ thở hơn, do đó, người bệnh có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Những bữa ăn phụ có thể chọn các thức ăn nhẹ như trái cây, rau trộn. 

Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống lành mạnh sao cho phù hợp với cơ địa của mình.