Viêm phổi là một bệnh cảnh lâm sàng do tình trạng thương tổn tổ chức phổi (phế nang, tổ chức liên kết kẻ và tiểu phế quản tận cùng) như phổi bị viêm, mà chủ yếu ảnh hưởng đến các túi khí nhỏ được gọi là phế nang. Viêm phổi thường gây ra bởi hiện tượng nhiễm trùng do nhiều tác nhân như virus, vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác như ký sinh trùng thì ít phổ biến hơn. Ngoài ra viêm phổi cũng do nguyên nhân từ các hóa chất độc hại.
Để điều trị viêm phổi đúng phác đồ thì người bệnh cần phải đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như mức độ mắc bệnh.
1. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phổi
Viêm phổi thường có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý quan sát thì có thể nhận biết được bệnh viêm phổi, bởi triệu chứng viêm phổi thường kéo dài hơn và sẽ nghiêm trọng hơn các bệnh thông thường khác.
Chẩn đoán nguyên nhân viêm phổi để điều trị đúng phác đồ (Nguồn: Internet)
Để xác định bạn có bị viêm phổi không, bác sĩ thường sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để biết thêm về tình trạng. Những câu hỏi có thể là:
- Các triệu chứng bạn mắc phải là gì? Mức độ của triệu chứng ra sao, nặng hay nhẹ?
- Bạn có hút thuốc không?
- Tiền sử sức khỏe của bạn như thế nào?
- Bạn có đang uống thuốc để điều trị bệnh gì không?
Nếu qua những thông tin bạn trả lời không giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác thì bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm y khoa trước khi đưa ra bất kỳ chẩn đoán nào. Các xét nghiệm có thể là:
- Khám thực thể.
- Chụp X-quang viêm phổi.
- Chụp CT.
- Xét nghiệm đờm.
- Nội soi phế quản, được dùng để quan sát đường thở trong phổi.
2. Phác đồ điều trị viêm phổi
Phương pháp điều trị viêm phổi khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và loại viêm phổi.
2.1 Điều trị viêm phổi do vi khuẩn
Các bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi bắt đầu dùng thuốc, tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng đúng hết liệu trình mà bác sĩ đã chỉ định. Bởi ngưng dùng thuốc quá sớm có thể gây bệnh viêm phổi trở lại. Ngoài ra, việc ngưng thuốc giữa chừng cũng tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
2.2 Điều trị viêm phổi do virus
Thông thường, kháng sinh sẽ không hiệu quả cho các trường hợp mắc bệnh viêm phổi do virus. Mặc dù có vài virus gây viêm phổi có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus nhưng các điều trị khuyến cáo thường là nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
2.3 Điều trị viêm phổi do nấm
Nếu viêm phổi do một loại nấm, có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.
2.4 Điều trị đối phó với các triệu chứng
Ngoài các phương pháp điều trị trên, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên dùng thuốc không kê đơn để giảm sốt, chữa đau nhức và làm dịu ho liên quan đến viêm phổi.
Người bệnh không nên dùng thuốc giảm ho liều cao vì ho giúp phổi sạch hơn.
Ho nhẹ giúp bệnh nhân tự làm sạch phổi (Nguồn: Internet)
2.5 Nhập viện điều trị
Nếu bị viêm phổi nặng, người bệnh sẽ phải nhập viện và điều trị bằng thuốc kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch và có thể phải dùng oxy. Nếu không cần oxy, có thể phục hồi một cách nhanh chóng ở nhà với kháng sinh uống như trong các bệnh viện, đặc biệt là nếu có đủ điều kiện tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Một số trường hợp có thể điều trị tại bệnh viện 3 hoặc 4 ngày bằng cách dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và sau đó tiếp tục phục hồi ở nhà với thuốc uống.
2.6 Theo dõi điều trị
Bác sĩ có thể đưa ra lịch trình theo dõi X-quang và khám lại sau khi chẩn đoán và điều trị ban đầu.
Lưu ý: Người bệnh viêm phổi cần điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc khi cảm thấy triệu chứng đã hết. Tái khám sau khi đã điều trị hết liệu trình, ngay cả khi cảm thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều.