Chờ...

Bỏ thuốc lá - vì sao khó, làm thế nào để bỏ thuốc lá hiệu quả nhất?

(VOH) - Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh. Nhận biết điều này, nhiều người đã tìm cách bỏ thuốc lá nhưng khó thành công, vậy vì sao?

1. Vì sao khó từ bỏ thuốc lá?

Ai cũng biết hút thuốc lá là thói quen xấu, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như gây ung thư, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch máu ngoại vi,…Tuy nhiên, một số người hút thuốc lá cho rằng thuốc lá giúp họ suy nghĩ được nhiều điều “hay ho” trong cuộc sống, giúp họ xả stress và điếu thuốc giúp họ ngoại giao tốt hơn,…Chính suy nghĩ này đã khiến người hút thuốc lá thiếu đi ý chí từ bỏ thuốc lá.

bo-thuoc-la-vi-sao-kho-lam-the-nao-de-bo-thuoc-la-hieu-qua-nhat-voh-1

Cai thuốc lá khó hay dễ? (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, theo bác sĩ Lê Văn Nhân (Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM), trên thực tế, nhiều người nhận thức được tác hại của thuốc lá nhưng khó từ bỏ là do:

  • Thuốc lá có chất gây nghiện, mỗi ngày đều hút thì sau một thời gian sẽ tăng liều hút lên rất cao. Liều lượng hút mỗi ngày càng tăng thì người hút càng gặp khó khăn hơn khi muốn từ bỏ.
  • Bỏ thuốc lá sẽ mắc phải hội chứng cai nghiện với các triệu chứng như buồn rầu, ủ rũ, mệt mỏi, chảy nước miếng, chảy nước mắt, cảm giác khó chịu, khó tập trung làm việc,...nên nhiều người đã không thể vượt qua được liệu trình cai thuốc lá.
  • Vì thuốc lá có chất gây nghiện nên khi xung quanh còn nhiều người hút thuốc và bán thuốc lá thì rất khó cai, bởi vì chỉ cần nhìn thấy một người nào đó hút là sẽ có cảm giác thèm thuốc ngay. 

Mặc dù khó, nhưng trên thực tế vẫn có không ít người đã từ bỏ thuốc lá thành công. Vậy cai thuốc lá bằng cách nào hiệu quả nhất?

2. Cách từ bỏ thuốc lá hiện nay

Theo bác sĩ Nhân, hiện nay có một số cách từ bỏ thuốc lá sau đây:

2.1 Cai sống

Cai sống tức là dùng ý chí của bản thân người hút để cai thuốc lá. Tuy nhiên, cách này thường khó thành công vì những nguyên nhân đã nêu trên.

2.2 Sử dụng miếng dán nicotin

Như chúng ta biết, trong thuốc lá có chứa chất nicotin và chất này có thể khiến người hút bị nghiện mạnh. Cai thuốc lá bằng phương pháp thay thế tức là đưa nicotin nhân tạo vào cơ thể người hút thông qua miếng dán để người hút hạn chế hoặc tránh xa được điếu thuốc lá. 

Sau khi dán miếng dán vào người, nicotin sẽ thấm qua da từ từ và vào trong cơ thể, người nghiện thuốc lá sẽ không thèm hút thuốc lá nữa. Liệu trình sử dụng miếng dán sẽ giảm dần từ từ đến khi người nghiện cai được thuốc lá.

Ưu điểm của miếng dán chứa nicotin là không tạo khói thuốc độc hại cho người xung quanh, người nghiện thuốc không còn bị ám mùi và tránh được tình trạng đưa hàng nghìn chất độc hại khác trong thuốc lá vào trong cơ thể.

Nhược điểm của miếng dán nicotin là giá thành cao. Vì vậy, để cai thuốc lá thành công thì người hút thuốc phải thật sự có đủ kinh tế.

bo-thuoc-la-vi-sao-kho-lam-the-nao-de-bo-thuoc-la-hieu-qua-nhat-voh-2

Cai thuốc lá đòi hỏi có sự quyết tâm cao (Nguồn: Internet)

2.3 Sử dụng viên kẹo nhai

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại kẹo nhai giúp cai thuốc lá. Thông thường, kẹo cao su sẽ chứa nicotin giúp ngăn chặn việc hút thuốc lá trực tiếp và giảm bớt các triệu chứng cai nghiện. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các loại kẹo này bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để tránh hoặc biết cách xử lý khi gặp tác dụng phụ.

2.4 Dùng các loại thuốc

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại thuốc giúp người nghiện thuốc cai thuốc lá. Hãy nhờ thầy thuốc hoặc chuyên gia tư vấn về loại thuốc bạn đang cần để đảm bảo an toàn hơn. 

Lời khuyên: Theo bác sĩ Nhân, nếu một phương pháp không thể giúp bạn từ bỏ được thuốc lá thì bạn có thể phối hợp nhiều phương pháp. Quan trọng hơn hết là bạn phải có ý chí và sự quyết tâm. Bạn có thể sử dụng một quyển sổ để theo dõi số điếu hút trong ngày, mỗi ngày vứt đi một điếu và giảm dần số điếu theo thời gian. Hay bạn có thể vứt bỏ những thứ liên quan đến việc hút thuốc như bỏ gạt tàn thuốc, nhờ người thân giấu hột quẹt đi,…để mỗi lần hút thuốc bạn cảm thấy vô cùng khó khăn và từ đó việc từ bỏ cũng sẽ có hiệu quả hơn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Lê Văn Nhân tại audio bên dưới: