Viêm tinh hoàn quai bị - Biến chứng nguy hiểm cần phòng tránh

(VOH) - Bệnh quai bị nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách thì tiên lượng thường tốt. Tuy nhiên, không nên chủ quan và phải hết sức đề phòng biến chứng của nó, đặc biệt là viêm tinh hoàn quai bị.

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, đặc trưng với triệu chứng sưng đau tuyến nước bọt mang tai. Ở các bé trai trước tuổi dậy thì, các triệu chứng thường chỉ giới hạn ở bệnh viêm tuyến mang tai. Trong khi đó, biến chứng viêm tinh hoàn xảy ra trên 1/4 nam giới mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì.

Viêm tinh hoàn là tình trạng viêm một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, nguyên nhân có thể do virus hoặc vi khuẩn. Virus gây viêm tinh hoàn phổ biến nhất là virus quai bị. 

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh viêm tinh hoàn do quai bị đã giảm đáng kể kể từ khi áp dụng chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ, nhưng nó vẫn là nguyên nhân đáng lo ngại gây viêm tinh hoàn.

1. Triệu chứng của viêm tinh hoàn quai bị

1.1 Triệu chứng lâm sàng

Sưng và đau tinh hoàn là biểu hiện chính, thường sưng 1 bên, rất hiếm khi sưng 2 bên. Bắt đầu xuất hiện từ 4 - 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Có một số ít trường hợp, đau tinh hoàn xảy ra đến 6 tuần sau khi bị quai bị.

viem-tinh-hoan-quai-bi-bien-chung-nguy-hiem-can-phong-tranh-voh-1
Đau tinh hoàn là triệu chứng chính của viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)

Ngoài ra có thể có một số triệu chứng khác:

  • Cảm thấy buốt và khó khăn khi đi tiểu tiện
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Sốt, mệt mỏi, ăn không ngon

1.2 Xét nghiệm cận lâm sàng

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định viêm tinh hoàn:

  • Chẩn đoán vi sinh bằng xét nghiệm huyết thanh học hoặc cấy virus.
  • Xét nghiệm miễn dịch enzyme tìm kháng thể globulin miễn dịch quai bị thường được sử dụng nhất để chẩn đoán. 
  • Kháng thể IgM có thể phát hiện được trong vài ngày đầu của bệnh cũng rất quan trọng.
  • Ngoài ra, giá trị IgG tăng gấp 4 lần cũng là một dấu hiệu chẩn đoán.

Xem thêm: Thời điểm ‘vàng’ để chữa xoắn tinh hoàn là sau 4 – 6 tiếng tinh hoàn bị xoắn

2. Điều trị viêm tinh hoàn quai bị

2.1 Điều trị dùng thuốc

Không có thuốc đặc trị cho virus quai bị, nên điều trị viêm tinh hoàn quai bị mục tiêu chủ yếu là hạn chế triệu chứng. Các nhóm thuốc để hạn chế triệu chứng thường được chỉ định là:

  • Thuốc giảm đau: có ba loại thuốc giảm đau thường sử dụng là paracetamol, thuốc chống viêm non-steroid và thuốc giảm đau gây nghiện. Tùy theo mức độ đau của bệnh nhân bác sĩ sẽ kê đơn giảm đau phù hợp, có thể gồm một loại hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
  • Kháng sinh cũng có thể được sử dụng nếu có nghi ngờ nguyên nhân là vi khuẩn hay có khả năng bội nhiễm vi khuẩn.

Thuốc chống viêm steroid giúp giảm đau và phù nề, nhưng xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn của steroid, nó thường không được sử dụng trong trường hợp này.

2.1 Điều trị không dùng thuốc

Ngoài việc uống thuốc theo đơn của bác sĩ, các biện pháp chăm sóc cũng rất quan trọng trong việc tăng hiệu quả điều trị cũng như phòng tránh các biến chứng của viêm tinh hoàn quai bị.

  • Chườm lạnh lên tinh hoàn, chú ý không chườm trực tiếp, mà cần có khăn hoặc túi chườm. Chườm mỗi lần 15-20 phút, mỗi ngày 2-3 lần.
  • Mặc quần lót vừa vặn để nâng đỡ tinh hoàn cũng có thể làm giảm cơn đau.
  • Nghỉ ngơi tại giường, kê cao tinh hoàn.
viem-tinh-hoan-quai-bi-bien-chung-nguy-hiem-can-phong-tranh-voh-2
Nên nghỉ ngơi tại giường khi bị viêm tinh hoàn (Nguồn: Internet)

Viêm tinh hoàn quai bị sau khỏi sau 10 ngày đến 2 tuần nếu điều trị đúng và chăm sóc cẩn thẩn.

3. Biến chứng của viêm tinh hoàn quai bị

3.1 Viêm tinh hoàn mạn tính

Sau khi bị quai bị, nếu viêm tinh hoàn cấp tính không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ chuyển sang tình trạng  viem mạn tính kéo dài và khó điều trị hơn.

Ngoài ra, viêm tinh hoàn không được chữa trị hiệu quả có thể lây lan sang các bộ phận khác gây viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh, áp xe bìu, tràn dịch màng tinh hoàn.

Xem thêm: Ung thư tinh hoàn phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi là 99%

3.2 Teo tinh hoàn

Có 30 - 50% nam giới bị viêm tinh hoàn có biến chứng teo tinh hoàn. Trong vài ngày đầu tiên của nhiễm trùng, virus tấn công các tuyến tinh hoàn, dẫn đến viêm nhu mô, tách các ống sinh tinh và thâm nhiễm tế bào lympho mô kẽ quanh mạch. Lớp bao trắng của tinh hoàn tạo thành một rào cản chống lại sự phù nề, và sự gia tăng áp lực nội mạc sau đó dẫn đến teo tinh hoàn do áp lực.

3.3 Vô sinh

Ước tính cứ 10 nam giới bị viêm tinh hoàn thì có 1 người bị giảm số lượng tinh trùng. Tuy nhiên, điều này thường không đủ lớn để gây vô sinh.

Tuy viêm tinh hoàn do quai bị hiếm khi dẫn đến vô sinh nhưng nó có thể góp phần gây vô sinh ở nam giới. Bởi vì nó có thể dẫn đến khiếm khuyết trong chuyển động của tinh trùng, làm giảm số lượng, sự nhanh nhẹn và hình thái học của tinh trùng.

viem-tinh-hoan-quai-bi-bien-chung-nguy-hiem-can-phong-tranh-voh-3
Viêm tinh hoàn có thể làm giảm số lượng tinh trùng (Nguồn: Internet)

Suy giảm khả năng sinh sản ước tính xảy ra ở khoảng 13% bệnh nhân, 30 - 87% bệnh nhân bị viêm tinh hoàn hai bên do quai bị bị vô sinh.

4. Phòng ngừa và chăm sóc viêm tinh hoàn quai bị

Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng quai bị. Ngoài ra mỗi người cần chú ý thực hiện những điều sau:

  • Vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang để tránh bản thân tiếp xúc với viêm nhiễm dẫn đến quai bị.
  • Khi bị quai bị cần điều trị ngay, không để bệnh kéo dài, gây biến chứng viêm tinh hoàn.
  • Nếu phát hiện dấu hiệu của viêm tinh hoàn quai bị nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có cách điều trị hiệu quả, rút ngắn thời gian khỏi bệnh và hạn chế tối đa biến chứng nguy hại đến khả năng sinh sản. 

Viêm tinh hoàn quai bị có lẽ là biến chứng được quan tâm nhất, khiến cho bệnh nhân lo lắng ngay cả khi đã qua đợt cấp. Hãy tìm hiểu cách chăm sóc và biện pháp phòng tránh để bảo vệ mình và người thân khỏi biến chứng nguy hiểm này.