1. Bệnh quai bị là bệnh gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị có tên là Mumps virus, thuộc họ Paramyxoviridae. Loại virus này có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể (khoảng từ 30 – 60 ngày), sống được ở nhiệt độ 15 – 200 độ C và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.
Đây là một căn bệnh xuất hiện khá phổ biến ở trẻ em. Virus lây bệnh quai bị có thể lây nhiễm vào nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là tuyến nước bọt mang tai. Những tuyến này nằm ở 2 bên trước tai và dưới gò má, tức là vùng nằm giữa tai và hàm. Khi trẻ bị quai bị, tuyến nước bọt sẽ sưng và rất đau.
Bệnh quai bị thường sẽ lây từ người bệnh qua người không bị bệnh thông qua đường hô hấp và ăn uống, qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ... Ngoài ra, loại virus này còn có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2 – 3 tuần.
2. Các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em
Bệnh quai bị ở trẻ có thời gian lây từ 6 ngày trước khi bệnh toàn phát sưng tuyến mang tai, cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh quai bị bao gồm:
- Sau khi tiếp xúc với virus khoảng 14 – 24 ngày, trẻ sẽ có cảm giác khó chịu, biếng ăn, sốt nhẹ, đau họng và đau góc hàm.
- Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày sau đó bắt đầu giảm sưng trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng một bên hoặc cả hai bên khiến khuôn mặt bị biến dạng. Đây chính là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị.
Sưng mang tai là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh quai bị (Nguồn: Internet)
- Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Với bé nam bệnh quai bị có thể gây sưng bìu và đau tinh hoàn.
- Trẻ bị quai bị thường có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở, cơ thể mệt mỏi....
Lưu ý: Có khoảng 25% trẻ bị nhiễm virus quai bị nhưng không có hoặc có rất ít dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không thể nhận biết được.
3. Bệnh quai bị ở trẻ em gây ra những biến chứng gì?
Trẻ bị quai bị nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Không chỉ ảnh hưởng đến tuyến nước bọt ở mang tai mà còn có thể gây viêm nhiễm những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não và hệ sinh sản.
Bệnh quai bị ở trẻ em thường nhẹ, nhưng đôi khi nó cũng gây ra những biến chứng. Tuy các biến chứng nghiêm trọng thường hiếm gặp song nếu xuất hiện nó có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ.
Các biến chứng thường thấy của bệnh quai bị là:
- Nếu mắc bệnh khi còn nhỏ, trẻ có thể bị điếc, tỷ lệ trẻ gặp biến chứng là 1/200.000 trẻ bị nhiễm bệnh.
- Virus gây bệnh quai bị có thể tấn công hệ thống thần kinh trung ương làm gia tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc bị tật tiểu não (gây ra các vấn đề về phối hợp vận động).
- Đặc biệt, nếu các bé trai bị bệnh quai bị có thể gây viêm tinh hoàn. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể sẽ ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này của trẻ.
4. Trẻ bị quai bị phải làm sao?
Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh quai bị hay nghi ngờ trẻ bị quai bị cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn bệnh thông qua việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ làm một số xét nghiệm liên quan để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Bác sĩ thường chẩn bệnh quai bị thông qua việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng (Nguồn: Internet)
Các bác sĩ cho biết, vì quai bị là do virus gây ra nên việc sử dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc sẽ vô hiệu. Cách điều trị bệnh quai bị ở trẻ em thường là giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng để con cảm thấy dễ chịu hơn. Cụ thể:
- Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ khi mệt.
- Không cho bé tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là trẻ em và trẻ sơ sinh.
- Dùng thuốc giảm đau. Một số loại thuốc được phép dùng là acetaminophen và ibuprofen để hạ sốt.
- Có thể dùng túi đá chườm mang tai.
- Uống nhiều nước, bù dịch.
- Cho bé ăn các loại thức ăn nhẹ như súp, sữa , cháo và những loại thực phẩm không cần nhai (động tác nhai có thể khi bé bị đau vì tuyến nước bọt đang sưng).
- Không dùng các loại thức ăn và nước uống có chứa axit.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị bệnh quai bị có những biểu hiện dưới đây thì cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám:
- Bé sốt hơn 3 ngày.
- Tuyến nước bọt sưng kéo dài hơn 7 ngày.
- Bé có biểu hiệu sưng, đau đớn nhiều.
- Bé có hành vi và biểu hiện thể chất không bình thường.
- Bé bị co giật.
- Bỏ ăn uống.
- Có biểu hiện mất nước.
5. Cách phòng ngừa bênh quai bị ở trẻ em
Hiện nay, bệnh quai bị ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin. Vắc-xin quai bị là một phần trong loại vắc-xin tích hợp sởi – quai bị - rubella (MMR), thường được tiêm ngừa cho bé từ 12 – 15 tháng tuổi. Liều thứ hai sẽ được tiêm khi trẻ được 4 – 5 tuổi.
Tuy nhiên, một số trường hợp loại vắc xin này sẽ được tiêm mà không cần tuân theo lịch tiêm chủng vắc-xin ở trẻ em. Nguyên nhân là vì trong trường hợp khi bùng nổ bệnh sởi, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm một liều vắc xin MMR bổ sung khi bé trong độ tuổi từ 1 – 4 tuổi. Cha mẹ nếu có quan tâm đến vấn đề hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để biết được thông tin mới nhất.
Nếu mắc bệnh quai bị, bé sẽ thường phục hồi sau khoảng 10 – 12 ngày. Một tuần sau tuyến nước bọt sẽ không còn sưng, nhưng thường thì hai tuyến nước bọt hai bên mang tai sẽ sưng khác thời điểm, nên sẽ có tuyến hết sưng trước và tuyến hết sưng sau.
Như vậy, khi trẻ mắc bệnh quai bị cha mẹ cần phải theo dõi kỹ càng, tốt nhất là nên đưa bé đi thăm khám để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể xảy ra. Nên thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ để giúp trẻ phòng ngừa bệnh quai bị cũng những nhiều căn bệnh khác.