Tàu CSB 8001 ngoài chức năng tuần tra xa bờ, tàu còn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố trên biển.
Hàng ngày, với hơn 10.000 tàu thuyền đánh cá hoạt động khắp vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là lực lượng không thể thiếu với sự “hiện diện dân sự” và thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các vùng biển và các đảo của Việt Nam.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ ở các lực lượng chuyên trách mà cần phải có sự phối hợp vai trò của ngư dân trên biển. Vì vậy, tổ chức cho ngư dân ra khơi bám biển và an tâm bám biển là vấn đề cấp thiết hiện nay, cần có sự đồng hành, tiếp sức và hỗ trợ rất lớn từ lực lượng cảnh sát biển.
Với 28 tàu chạy thường xuyên trên biển mỗi ngày, lực lượng cảnh sát biển luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân, giúp ngư dân xử lý các tình huống khó khăn xảy ra với họ khi đang đánh bắt xa bờ, nhất là khi bị các tàu nước ngoài đâm va, đuổi bắt hay cướp bóc,…
Trong năm 2016, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã cứu sống 207 người, 23 tàu thuyền trong đó có 3 tàu, sà lan nước ngoài. Riêng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển vùng 3 đã cứu được 9 tàu và 114 thuyền viên gặp nạn trên biển.
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết – Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.
Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được Cảnh sát biển Việt Nam chọn nhằm "cụ thể hóa" nhiệm vụ, tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết – Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: "Cảnh sát biển Việt Nam chọn mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, là lực lượng chuyên trách của nhà nước trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và duy trì việc chấp hành pháp luật VN và luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên biển và thềm lục địa của tổ quốc.
Cảnh sát biển giống như một anh công an giao thông và anh công an khu vực trên biển, tất cả tàu hoạt động trên vùng biển Việt Nam đều được cảnh sát biển Việt Nam quản lý. Tất cả người dân hoạt động kinh tế biển cũng đều được cảnh sát biển theo dõi, giúp đỡ và bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, mô hình còn được xuất phát từ vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc".
Ngoài việc luôn túc trực, đồng hành với ngư dân trên biển, công tác tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân nghèo, tặng tủ thuốc đi biển, tặng áo phao, tập huấn cấp cứu cho người bị đuối nước trên biển, chăm lo cho các gia đình chính sách, đỡ đầu cho các cháu học sinh nghèo hiếu học… cũng được lực lượng cảnh sát biển xem là vấn đề then chốt trong việc xây dựng “Thế trận lòng dân” trên biển, bởi vì “bờ có vững thì ngư dân mới an tâm bám biển, vươn khơi”.
Ngư dân Ngô Văn Thẳm, một người được tặng tủ thuốc đi biển trên tàu trả lời phỏng vấn của VOH
Ngư dân Ngô Văn Thẳm (ở thôn Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận), một trong những người được tặng tủ thuốc đi biển trên tàu cho biết: "Với ngư dân, khi đi hành nghề, có đau bệnh gì thường phải đến các nhà giàn để xin thuốc uống. Nhưng với tủ thuốc được tặng từ lực lượng cảnh sát biển, tôi cảm thấy an tâm hơn để bám biển".
Đại tá Đỗ Hồng Đó – Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (đứng)
Theo Đại tá Đỗ Hồng Đó – Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3: "Hoạt động nhằm làm cho ngư dân, nhân dân, cán bộ chiến sĩ thêm yêu biển, yêu đảo và gắn bó với biển đảo, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc".
Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát biển sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các khu vực biển, tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt xâm phạm các vùng biển của nước ngoài, bảo vệ ngư dân ở các khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để ngư dân an tâm bám biển.
Với ngư dân đánh bắt xa bờ, việc xuất hiện của lực lượng cảnh sát biển giúp họ cảm thấy còn không đơn độc giữa biển khơi
Với các ngư dân, khi họ đánh bắt xa bờ giữa biển khơi rộng lớn, việc xuất hiện của lực lượng cảnh sát biển giúp họ cảm thấy còn không đơn độc và dường như họ được tiếp thêm sức mạnh để an tâm bám biển, bám ngư trường, đồng thời phát huy vai trò những người giữ biển vì với họ “tàu là nhà và biển là quê hương”.