Củ nén khá quen thuộc với nhiều người, vì chúng không chỉ là một loại gia vị, một món ăn ngon mà còn có tác dụng trong việc phòng và điều trị nhiều bệnh lý như bệnh cúm, cảm lạnh, tiêu chảy....
Được xem là loại “củ tí hon” nên khi trồng củ nén, bạn không cần đến một diện tích đất rộng rãi, chỉ cần nắm được các kỹ thuật trồng củ nén là bạn đã có thể trồng và chăm sóc loại củ này ngay tại góc bếp gia đình mình.
1. Chuẩn bị gì khi trồng củ nén tại nhà?
Để trồng củ nén, bạn cần chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng cũng như giống củ nén
1.1 Dụng cụ trồng
Để trồng củ nén tại nhà bạn có thể tận dụng các loại thùng xốp, khay, xô, chậu, bao đựng xi măng,... hay những dụng cụ có thể chứa được một lượng đất phù hợp là đã có thể trồng củ nén rồi.
Tuy nhiên, các dụng cụ trồng này cẩn đảm bảo được tính thoát nước. Do đó, nếu bạn trồng củ nén trên khay, chậu hay thùng xốp... thì cần phải đục lỗ ở dưới để thoát nước cho đất.
1.2 Đất trồng
Đất càng màu mỡ, đủ độ ẩm và thoát nước tốt thì củ nén càng phát triển tốt. Những loại đất thịt pha cát, giàu mùn là lựa chọn thích hợp. Ngoài ra, cần lưu ý thêm đến độ pH của đất, độ pH đất tốt nhất cho sự phát triển của củ nén là từ 6.5 – 7.0.
Để mua được những loại đất này, bạn có thể đến tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc sử dụng đất tại nhà kết hợp với phân hữu cơ, phân chuồng. Ngoài ra, bạn có thể pha thêm đất cát để giúp quá trình thoát nước tốt hơn.
Trước khi trồng củ nén, đất nên được phơi ải với vôi khoảng 7 – 10 ngày để giúp tiêu diệt các mầm bệnh trong đất.
1.3 Ánh sáng
Củ nén cần ánh sáng để phát triển, dù chúng có thể chịu được bóng râm nhẹ, nhưng tốt nhất mỗi ngày nên có 6-8 tiếng củ nén được tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp.
1.4 Giống
Củ nén được trồng bằng củ, vì thế, khi trồng củ nén bạn nên chọn những củ chắc, có đường kính từ 1cm trở lên, củ lành lặn không bệnh hay hư hỏng.
Xem thêm: Mách bạn công thức nấu món ngon với củ nén để giải cảm hiệu quả
2. Cách trồng củ nén đơn giản
Củ nén sẽ được trồng sau 7 – 10 ngày khi đất được phơi ải và đất trồng đủ độ ẩm. Nếu đất bị khô, bạn cần tưới nước từ tối hôm trước, hôm sau tiến hành trồng củ nén để giúp củ nén dễ nảy mầm.
Mật độ trồng: Khoảng cách giữa các hàng trung bình là 20 x 20cm, khoảng cách giữa các cây là 10 x 10cm.
Sau khi trồng củ nén, bạn cần phủ một lớp vỏ trấu hay lớp rơm rạ dày khoảng 5cm lên luống để giữ ẩm và hạn chế được sự sinh sôi của cỏ, xói mòn đất do mưa.
Thời điểm tốt nhất để trồng củ nén là vào mùa xuân. Đây là mùa có khí hậu thuận lợi để củ nén phát triển mạnh nhất.
3. Hướng dẫn các bước chăm sóc củ nén
Quá trình chăm sóc củ nén được chia làm 2 giai đoạn như sau:
3.1 Chăm sóc củ nén khi gieo trồng
Củ nén mới trồng cần được để trong bóng râm nhiều hơn, hạn chế việc để củ nén tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu. Tuy nhiên, khi cây đã bắt đầu nảy mầm thì bạn cũng dần tăng tỉ lệ chiếu sáng cho củ nén.
Khi mới gieo trồng củ nén, không cần tưới nước quá nhiều, vì lớp phủ sẽ giúp giữ ẩm củ nén trong thời gian dài. Việc để đất sũng nước hoặc quá ẩm sẽ rất dễ gây thối củ, ảnh hưởng đến tỉ lệ nảy mầm.
3.2 Chăm sóc củ nén phát triển
Khi củ nén bước vào giai đoạn phát triển bạn cần lưu ý đến vấn đề tưới nước, bón phân, tạo lớp phủ và làm cỏ.
Tưới nước
Là khâu quan trọng trong việc chăm sóc củ nén, bởi nó giúp duy trì độ ẩm cho củ nén.
Khi củ nén được 3-4 lá thì bạn chỉ nên chú ý tưới nhẹ nhàng vào lá, tránh tưới gốc. Tốt nhất nên dùng bình tưới dạng phun sương và tưới từ từ để nước thấm đều khắp đất trồng.
Mỗi ngày tưới củ nén 1 lần. Thời điểm tưới là vào chiều muộn, tránh tưới vào buổi trưa nắng. Vào những ngày mưa nhiều, độ ẩm cao, hoặc mùa đông thì tần suất tưới cần giảm xuống.
Củ nén rất dễ bị úng nước nếu bị dư nước. Vì thế, hãy kiểm tra kỹ trước khi tưới nước cho củ. Đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra xem chậu trồng có bị ứ đọng nước hay không.
Bón phân
Khi củ nén nảy mầm khoảng 20 – 30 ngày thì bạn tiến hành bón phân bằng trùn quế, phân hữu cơ hoặc phân chuồng,... Mỗi tháng có thể bón 1 lần để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho chúng.
Bạn cũng có thể sử dụng thêm các loại phân khác như NPK 5-10-15, phân bón dạng lỏng hoặc phân bón lá, nhưng chỉ sử dụng với nồng độ bằng ½ hoặc ít hơn nồng độ ghi trên bao bì.
Tạo lớp phủ và làm cỏ
Ngoài lớp phủ lúc mới gieo trồng, bạn có thể tạo thêm lớp phủ cho củ nén trong quá trình chúng phát triển. Điều này sẽ làm hạn chế được sự bốc hơi nước, giảm tần suất tưới cũng như làm cỏ.
Ngoài ra, bạn cần chú ý "dọn” cỏ thường xuyên và vun xới cho củ nén nếu không tạo thêm lớp phủ cho cây. Nếu trồng củ nén vào mùa đông, hãy phủ thêm một tấm bìa phía trên để tránh sương giá.
Xem thêm: Inulin: Dưỡng chất có trong củ nén có tác dụng gì đối với hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch?
4. Trồng củ nén bao lâu thu hoạch?
Lá củ nén có thể thu hoạch sau khoảng 60 ngày (2 tháng). Bạn có thể dùng tay hoặc kéo cắt các lá sát gốc. Việc cắt lá sẽ kích thích chúng tạo ra các lá mới đồng thời ngăn sự ra hoa quá sớm.
Củ nén sẽ được thu hoạch sau khoảng hơn 200 ngày gieo trồng. Khi tiến hành thu hoạch củ nén bạn nên nhổ cả gốc lẫn củ. Khi thu hoạch củ, bạn vẫn có thể thu hoạch thêm lá củ nén hoặc bỏ qua lá khi thu hoặc củ.
Có thể nói, các công đoạn trồng củ nén khá đơn giản, bạn chỉ cần một chút tỉ mỉ trong việc gieo trồng và chăm sóc thì chẳng mấy chốc đã có thể thu được loại củ vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.