Cách trồng tỏi cho củ thơm cay đậm vị

(VOH) – Tỏi là một loại ‘kháng sinh tự nhiên’, giúp phòng tránh và điều trị bệnh lý. Đặc biệt, nếu áp dụng cách trồng tỏi đơn giản trong bài viết, bạn hoàn toàn có thể trồng ‘vị thuốc’ này tại nhà.

Từ lâu, tỏi đã trở thành một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, vừa góp phần làm trọn vị các món ăn vừa đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Sẽ thật tuyệt khi bạn có thể tự trồng và thu hoạch những củ tỏi sạch, đảm bảo chất lượng. 

1. Cách trồng tỏi tại nhà 

Khi quyết định trở thành “nông dân” để tự trồng tỏi, dưới đây là những lưu ý quan trọng mà bạn nên nắm rõ: 

1.1 Chọn giống tỏi 

Trong quá trình chọn giống tỏi, bạn có thể tận dụng các tép tỏi từ giống tỏi đang có sẵn trong bếp, cần đảm bảo loại tỏi thơm, cay và không phun trùng hóa chất. 

Nên chọn củ tỏi có tép tỏi lớn, cứng, tránh chọn các tép bị vỡ hay lép bởi từ các tép tỏi sẽ mọc lên một cây tỏi mới.  

cach-trong-toi-cho-cu-thom-cay-dam-vi-voh-0
Có thể tận dụng giống tỏi mà bạn đang sử dụng để làm "giống" trồng cây tỏi mới (Nguồn: Internet) 

1.2 Chọn đất trồng tỏi 

Bắt đầu tiến hành trồng tỏi, nên lựa chọn loại đất thịt pha cát, tơi xốp và dễ thoát nước. Nếu không chọn mua được đúng mẫu đất thì bạn có thể tiến hành trộn đất thông thường với phân gà, phân trùn quế hoặc xơ dừa. 

1.3 Lựa chọn vật chứa 

Không cần phải có một khoảng sân vườn quá lớn, để trồng tỏi bạn thể lựa chọn những vật chứa rất đơn giản và dễ tìm kiếm như chai nhựa, thùng xốp hoặc chậu nhựa. Tuy nhiên cần lưu ý rằng với những vật chứa này thì nên đục lỗ thoát nước ở phần đáy. 

1.4 Kỹ thuật trồng tỏi 

Mỗi nhánh tỏi nên được vùi sâu xuống đất khoảng 5cm, chú ý đặt phần đầu tỏi hướng lên trên để mầm mới nhú lên.

Bên cạnh đó, cần chú ý cần đảm bảo khoảng cách giữa các tép tỏi từ 8 – 10cm để cây tỏi mới có thể sinh trưởng tốt. Sau khi ươm tép tỏi hãy nhớ dùng rơm hoặc lá mục phủ lên trên bề mặt để giữ ẩm. 

Xem thêm: Không chỉ phòng ngừa ung thư, tỏi mọc mầm còn có rất nhiều công dụng hữu ích khác

1.5 Điều kiện nhiệt độ và ánh sáng

Cây tỏi ưa khí hậu mát, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 18 – 20 độ C. Ngoài ra, nếu cây được trồng ở nơi có số giờ nắng trong ngày từ 12 – 13 giờ thì sẽ sớm hình thành củ vì tỏi thuộc nhóm ưa nói có nhiều ánh sáng. 

2. Cách chăm sóc cây tỏi

Chăm sóc cây tỏi tỉ mỉ và đúng cách góp phần quan trọng để bạn có được những củ tỏi đạt tiêu chuẩn. 

2.1 Tưới nước

Trước khi cây nhú mầm, cần duy trì tưới nước 1 – 2 lần một ngày nhằm giữ ấm để rễ phát triển. Quan sát thấy mầm cây xuất hiện thì giảm tần suất tưới nước xuống, chỉ cần tưới khoảng 2 - 3 lần trong một tuần. 

cach-trong-toi-cho-cu-thom-cay-dam-vi-voh-1
Nếu quan sát thấy bắt đầu có mầm xanh xuất hiện, thì nên giảm tần suất tưới nước xuống, mỗi tuần chỉ cần tưới khoảng 2 - 3 lần (Nguồn: Internet) 

2.1 Bón phân 

Công đoạn bón phân sẽ được tiến hành sau 1 – 2 tuần khi cây cao khoảng 10cm. Thời gian trung bình cần bón phân cho cây là 1 tháng, nên sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trùn quế hoặc phân chim. Mỗi lần bón phân hãy nhớ kết hợp xới đất và làm cỏ. 

2.2 Diệt sâu bệnh

Trong quá trình chăm sóc cây tỏi, bệnh thường gặp nhất là sương mai do nấm Peronospora parasitica gây ra. Để khắc phục tình trạng này, nên tưới rửa sương hoặc phun dung dịch phèn xanh. 

3. Thu hoạch củ tỏi

Trồng tỏi sẽ không khiến bạn phải “sốt ruột” bởi trong vòng 2 tháng cây sẽ cho củ để thu hoạch. Thời điểm lá già, gần khô cũng là lúc củ tỏi dưới lòng đất đủ lớn và bạn có thể nhổ củ. 

Mong rằng với những bước trồng tỏi đơn giản được chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ bớt ngần ngại khi “vào vườn” tự trồng loại củ này nhé.