Cách trồng và chăm sóc hoa lồng đèn tại nhà

Nếu bạn đang muốn tìm một loài hoa vừa ý nghĩa lại vừa màu sắc để tô điểm thêm cho không gian sống thì hoa Lồng Đèn là một gợi ý mà bạn nên cân nhắc.

Hoa Lồng Đèn có tên khoa học là Fuchsia, xuất phát từ vùng rừng núi Trung - Nam Mỹ, ở một số nơi người ta còn gọi là Hoa Đăng, Hồng Hoa Đăng hoặc Bông Tai Cô Nương.

Đúng như tên gọi của mình, hoa có hình dáng giống như chiếc lồng đèn với những màu sắc rực rỡ thu hút mọi ánh nhìn. Có lẽ cũng vì lý do này mà Lồng Đèn đang là một trong những loài hoa được rất nhiều người yêu thích và tìm kiếm. Vậy hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị về loài hoa này nhé!

Ý nghĩa của hoa Lồng Đèn

Với màu sắc rực rỡ và vẻ đẹp đầy cuốn hút, thời gian hoa nở lại vào đúng dịp cận tết nên hoa Lồng Đèn mang ý nghĩa của sự bình an, may mắn và thịnh vượng. Chính vì vậy, nhiều gia đình chọn hoa Lồng Đèn để chơi tết nhằm cầu mong một năm mới vạn sự viên mãn, nhiều điều mới mẻ và thuận buồm xuôi gió trên con đường công danh sự nghiệp cho các thành viên trong gia đình.

voh.com.vn-hoa-long-den

Sắc hoa rực rỡ (Nguồn: Internet)

Hoa Lồng Đèn hay còn gọi là Hoa Đăng, nên cũng được xem như một biểu tượng của ánh sáng, niềm tin và sự hy vọng. Khi Hoa Đăng thắp sáng bầu trời đêm thì cũng là lúc mở ra cho con người một góc nhìn mới, một lối tư duy mới về cuộc đời, chứng minh rằng cuộc sống dù tối tăm đến đâu nhưng sẽ luôn có một thứ ánh sáng dẫn đường cho chúng ta tiến về phía trước, thứ ánh sáng của niềm tin, sự lạc quan và của một “đôi mắt mới” khi nhìn nhận về thế sự cuộc đời.

Hoa Lồng Đèn được nhiều người lựa chọn dùng làm trang trí tiểu cảnh, ban công hoặc khuôn viên sân nhà. Vì Lồng Đèn là loài hoa tượng trưng cho sự tốt lành, nên nó cũng là món quà vô cùng ý nghĩa để dành tặng bạn bè, người thân vào những dịp quan trọng.

Những điều thú vị về cây hoa lồng đèn

Lồng Đèn thuộc họ Rau Mương, thân bụi thấp, cao từ 80cm – 1m với 3 màu chủ đạo là tím đỏ, trắng và hồng, sự pha trộn màu sắc này có thể thay đổi tuỳ vào khu vực sinh trưởng của cây. Ngày nay chúng còn được lai tạo thành nhiều giống mới với nhiều màu độc đáo và đặc biệt hơn.

voh.com.vn-hoa-long-den-1
Hoa lồng đèn được trồng ở nơi có khí hậu ôn đới (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, hoa Lồng Đèn được trồng nhiều ở SaPa và Đà Lạt, bởi khí hậu nơi đây rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Cách trồng hoa lồng đèn

Hoa lồng đèn thường được trồng trong chậu treo hoặc chậu tròn thấp có đường kính trên 10cm, đặt ngoài ban công hoặc khuôn viên quanh nhà.

voh.com.vn-hoa-long-den-2
Chậu hoa lồng đèn có thể để ở nhiều nơi (Nguồn: Internet)

Nhiệt độ trồng cây hoa lồng đèn

Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 20 - 26 độ C. Nếu xuống dưới 15 độ C hay trên 30 độ C cây sẽ chậm phát triển. 

Lồng đèn là cây ưa ánh sáng, chịu bóng bán phần, chú ý vào mùa hè nếu thấy nắng quá gắt thì phải che cho cây và kiểm soát nhiệt độ xung quanh.

Chọn đất trồng

Đất trồng hoa lồng đèn phải tơi xốp, giàu mùn, nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc trộn đất với phân bò hoai mục, phân trùn uế, phân gà, vỏ trấu, than bùn, xơ dừa, mùn hữu cơ. Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước khi trồng để loại bỏ các mầm bệnh có trong đất.

Tưới tiêu và dinh dưỡng cho cây

Để cây sinh trưởng tốt thì đất trồng cần giữ được độ ẩm nhưng vẫn phải tơi xốp và thông thoáng, tránh tình trạng thối rễ. 

Bạn cũng nên chú ý tưới nước đều đặn cho cây, nhất là vào mùa hè và mùa thu đất sẽ khô hơn bình thường.

Về bón phân, sau 10 - 15 ngày trồng có thể bón phân hữu cơ, phân trùn uế hoặc phân động vật cho cây. Sau đó bón định kỳ từ 20 - 30 ngày 1 lần.

voh.com.vn-hoa-long-den-3
Chú ý dinh dưỡng để cây hoa lồng đèn có thể nở đẹp nhất (Nguồn: Internet)

Nhân giống 

Hoa lồng đèn thường được nhân giống bằng hom cành (là phương pháp dùng 1 phần lá hoặc một đoạn, thân, cành rễ để tạo thành cây con). Chọn những cành sát gốc thì cây sẽ phát triển tốt hơn khi trồng bằng hom cành.

Nếu muốn cây chỉ ra lá cành thì dùng phương pháp trồng ngày ngắn (ít hơn 12 giờ ánh sáng) và giữ nhiệt độ dưới 21 độ C. Dùng hom cành ngọn có độ dài tầm 7 - 8 cm với 2 hay 3 cặp lá trưởng thành và đem cắm ở môi trường ráo nước có độ PH 6 - 6.5 (nên sử dụng cát hạt nhỏ đã được lọc sạch và khử độc, dày khoảng 4 cm).

Sau khi giâm, bạn tiến hành tưới một lượng nước vừa đủ (chú ý duy trì độ ẩm cho ụ đất ươm). Khi hom đang mọc rễ, nên giữ môi trường nhân giống ở nhiệt độ 20 - 22 độ C và dùng phương pháp ngày ngắn. Chờ khoảng 3 tuần cho hom mọc đủ rễ thì đem trồng vào chậu.

Bấm ngọn

Khi cây có 4 - 5 cặp lá thì tiến hành bấm ngọn. Lưu ý hoa lồng đèn trồng trong chậu thì chỉ cần bấm 1 lần.

Những lưu ý khi trồng hoa lồng đèn

Một số loài sâu bệnh và cách xử lý:

  • Bướm trắng, rầy mềm, bù lạch, rệp bột, nhện đỏ và rệp vảy là những bệnh thường gặp ở cây hoa lồng đèn. Nếu phát hiện sâu bệnh hãy bắt và diệt ngay. Với các loại rệp bạn có thể dùng miếng khăn nhúng cồn rồi chấm vào những chỗ cây bệnh hoặc cũng có thể dùng nước rửa chén pha với nước phun lên các khu vực bị rệp tấn công.

  • Bệnh rỉ, dấu hiệu là quanh lá xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng cam, có viền nhạt màu. Để phòng ngừa bệnh bạn nên tạo sự thoáng khí cho cây với khoảng cách trồng thích hợp và giữ vệ sinh quanh khu vực trồng.

  • Ngoài ra cây hoa Lồng Đèn có thể bị thối rễ nếu sống trong môi trường quá ẩm ướt. Do đó nên chọn những chậu treo có khả năng thoát nước và thoáng khí tốt.

Cách chăm sóc hoa lồng đèn

  • Nhiệt độ và ánh sáng ảnh hưởng khá lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của hoa. Không nên để chậu hoa ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào và cần lưu ý tưới nước hằng ngày cho cây.

  • Khi phát hiện sâu bệnh phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

  • Khoảng 10 – 15 ngày sau khi trồng thì tiến hành bón thêm phân cho cây, có thể dùng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế, phân gà hoặc phân DAP pha loãng. Sau đó bón định kỳ, cứ khoảng 20 – 30 ngày thì bón đợt tiếp theo.

voh.com.vn-hoa-long-den-4
Chăm sóc hoa lồng đèn cần sự tỉ mỉ (Nguồn: Internet)

Để có một giỏ hoa lồng đèn đẹp thì đòi hỏi phải có sự chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận của người trồng. Nhưng cũng không quá khó khăn nếu bạn nắm rõ các kỹ thuật cũng như đặc tính của loài cây này. Hy vọng với những chia sẻ trên đây bạn đã có thể tự tay trồng cho mình 1 chậu hoa lồng đèn đẹp như ý. Để biết thêm thông tin về các loài hoa khác, hãy tìm đọc thêm theo link bên dưới nhé!

Cách trồng và chăm sóc cây móng rồng cho người thích cây cảnh : Cây móng rồng hay còn gọi là sen đá móng rồng được nhiều người chọn làm cây trang trí. Vì ngoại hình cây đẹp, kích thước nhỏ gọn mà lại dễ thích nghi với điều kiện môi trường. Không tốn công chăm sóc
Bật mí 8 cách trang trí chậu cảnh cho không gian nhà bạn Nếu bạn đã cảm thấy chán ngán với những chậu cây đất nung truyền thống. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn 8 cách trang trí chậu cảnh giúp tô điểm cho không gian thêm sinh động và màu sắc.