Chờ...

Cây lưỡi mèo và cách trồng, chăm sóc

Bạn đang tìm một chậu cây cảnh nho nhỏ cho góc làm việc của mình? Vậy thì đừng bỏ qua một sự lựa chọn tuyệt vời là cây lưỡi mèo nhé!

Cây lưỡi mèo đã khá quen thuộc với những bạn yêu thích cây cảnh. Khác với đa số loài cây khác, cây lưỡi mèo có khả năng cung cấp oxy vào ban đêm giúp cải thiện và đem lại giấc ngủ ngon. 

Ngoài ra đây cũng là một loài cây “dễ tính”, có thể trồng được cả trên cạn và trong nước, sống được trong môi trường thiếu sáng, cũng vì lý do đó mà cây lưỡi mèo đang được rất nhiều người ưa chuộng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn khám phá thêm nhiều điều thú vị về loài cây này.

Ý nghĩa của cây lưỡi mèo

  • Về phong thủy, cây lưỡi mèo có ý nghĩa đem lại sự may mắn, sự trường tồn và bền bỉ cho chủ nhân; trừ tà khí, ma quỷ.

  • Ngoài ra cây lưỡi mèo có khả năng cung cấp oxy ngay cả vào ban đêm, giúp bạn cải thiện được giấc ngủ, ngủ sâu và ngon hơn.

  • Tạo nên một không gian xanh cho góc làm việc, học tập, giúp giải tỏa căng thẳng và đem lại nguồn cảm hứng mới mà lại không tốn quá nhiều diện tích.

voh.com.vn-cay-luoi-meo

Chậu cây lưỡi mèo nhỏ  xinh trang trí trên góc bàn (Nguồn: Internet)

Những điều thú vị về cây lưỡi mèo

  • Là loại cây vừa có thể trồng trên đất, vừa có thể trồng trong nước

  • Bẹ lá dày, khỏe khoắn, màu xanh đậm kết hợp với những vệt sáng tạo nên một nét đẹp độc đáo, các lá xếp thành hình bông hoa trông khá xinh xắn.

  • Cây lưỡi mèo có thân ngắn, cây trưởng thành chỉ cao từ 10-30cm, có thể sống được trong môi trường thiếu sáng.

  • Lưỡi mèo có hai loại: một loại lá màu xanh xám với những sọc màu xanh đậm chạy ngang và loại lá xanh đậm kết với các đường vân lá màu vàng kem.

voh.com.vn-cay-luoi-meo-1

Hai loại lưỡi mèo có thể trồng trong nước và trong đất (Nguồn: Internet)

Cách trồng cây lưỡi mèo

  • Nhân giống: Để tạo ra cây con trồng ở chậu mới thì có thể dùng chồi non để nhân giống. Ngoài ra, phương pháp tách nhánh cũng được các nhà vườn sử dụng nhiều. Chọn cây mẹ phải khỏe mạnh, phát triển tốt, không sâu bệnh để tách cây con. Sau khi tách nhánh thì đem đi trồng ở chậu đất đã chuẩn bị sẵn. Đặt chậu ở nơi có bóng râm rồi tưới nước bằng cách sử dụng bình phun sương vào gốc là cây có thể sinh trưởng tốt.
  • Đất: Cây lưỡi mèo cần sự thông thoáng, bạn có thể trồng trên đất cát ẩm nhưng phải đảm bảo rằng đất và chậu trồng có sự thoáng khí nhất định. Không nên thay chậu thường xuyên vì như vậy sẽ làm đứt rễ và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
  • Ánh sáng: Lưỡi mèo không ưa nắng sáng chiếu trực tiếp mà chịu bóng hoàn toàn hoặc bán phần. Nếu để cây bị nắng chiếu trực tiếp sẽ làm cháy lá.
  • Nhiệt độ: Lưỡi mèo ưa mát, nhiệt độ ưa thích của cây từ 18-26 độ C, sống được trong môi trường điều hòa và có thể chịu được nóng.

voh.com.vn-cay-luoi-meo-2

Cây lưỡi mèo có thể thích nghi tốt với nhiệt độ môi trường (Nguồn: Internet)

Để tạo chậu thủy sinh lưỡi mèo, bạn chỉ cần rửa rễ, thân lá sạch sẽ rồi cho vào bình thủy tinh có nước. Trong 1 tuần đầu, chú ý thay nước hằng ngày để tránh làm úng và thối rễ. Sau đó hòa dung dịch thủy sinh vào cốc thủy tinh rồi chuyển cây sang. Cứ 10-15 ngày bạn thay dung dịch, rửa lá, rễ cây một lần. Bạn có thể trang trí thêm cho bình cây bằng các hạt thủy tinh hoặc hạt nhựa nhiều màu sắc, thả chúng vào dưới đáy bình để tăng thêm phần màu sắc và sinh động.

Những lưu ý khi trồng cây lưỡi mèo:

  • Khi trồng cây lưỡi mèo bạn cần phải xới đất cho tơi xốp để cây có thể phát triển tốt

  • Cứ 2-3 tháng bạn nên bổ sung một lượng đất mới cho cây, đồng thời bón thêm phân bón NPK (lượng phân sử dụng không được quá nhiều, bón cách gốc 10cm, và tưới nước ngay sau khi bón để giảm độ rát của phân)

  • Cây lưỡi mèo hầu như không có sâu bệnh, bạn chỉ cần chú ý và cắt bỏ những lá úa vàng bên dưới để cây không bị phân tán chất dinh dưỡng là được.

Cách chăm sóc cây lưỡi mèo:

voh.com.vn-cay-luoi-meo-3

Có thể đặt chậu ở trước bàn làm việc để tiện chăm sóc (Nguồn: Internet)

Cây lưỡi mèo không đòi hỏi bạn phải cầu kỳ trong quá trình chăm sóc. Nhưng để cây có thể phát triển được ở trạng thái tốt nhất thì bạn nên:

  • Chú ý thay dung dịch thủy sinh định kỳ 10-15 ngày một lần

  • Nên bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân 2-3 tháng một lần

  • Lưu ý khi tưới nước thì chỉ tưới vào phần gốc cây với một lượng nước vừa đủ

  • Cắt bỏ lá úa vàng để cây tập trung dinh dưỡng vào phần lá xanh.

Sở hữu một cây lưỡi mèo không chỉ giúp cải thiện không gian sống, làm việc, học tập mà còn giúp bạn cải thiện sức khỏe. Với tất cả những tác dụng về phong thủy, môi trường và sức khỏe trên, tại sao bạn không trồng ngay cho mình một chậu cây lưỡi mèo nhỏ xinh nhỉ?

Trồng hoa bồ công anh sao cho đúng cách? : Bồ công anh vừa là loài hoa trang trí lung linh cho sân vườn, lại vừa là bài thuốc dân gian hữu hiệu.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Kim Ngân ngay tại nơi làm việc : (VOH) - Cây Kim Ngân (tên khoa học Pachira Aquatica) hay còn được gọi là cây thắt bím, cây bím tóc, bắt nguồn từ Mexico, Brazil, Nam Mỹ và đầm lầy Trung Mỹ.