Trung Quốc được coi là cái nôi về những cây thu nhỏ như cây bonsai ngày nay, nhưng Nhật Bản lại là nơi phát triển mạnh mẽ nghệ thuật cây cảnh này. Những cây nhỏ được trồng trong chậu cảnh, có sự tác động đặc biệt của những “nghệ nhân” làm vườn, tạo ra những dáng cổ thụ đẹp, độc đáo và ẩn chứa nhiều triết lý, tinh thần sống và những điều thú vị. Bạn hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu thêm về nghệ thuật cây cảnh đặc biệt này nhé!
Cây bonsai không những đẹp mà còn có rất nhiều ý nghĩa (Nguồn: Internet)
Ý nghĩa cây bonsai là gì ?
Bonsai là một từ tiếng Nhật, “bon” là cái khay, cái chậu; “sai” là cây. Những cây con được trồng trong chậu cảnh, được con người cắt, tỉa, tạo dáng ấn tượng mang tính thẩm mỹ cao và theo dáng sẵn có mà tự nhiên ban tặng cho nó. Vì vậy, có thể coi cây bonsai là một “tác phẩm sống”, là nghệ thuật điêu khắc sống của những nghệ nhân làm vườn tài hoa, yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên.
Nếu sở hữu một chậu cây, hoa bonsai đẹp bạn có thể thấy ngoài cây, hoa còn có hình ảnh đá núi, gốm sứ, điêu khắc, thi ca, ... được gia công, chăm sóc tỉ mỉ, kết hợp hài hòa tạo nên bức tranh thu nhỏ, đẹp và sống động của thiên nhiên. Cây bonsai có nhiều thế khác nhau, nhiều cây chỉ cao đến 2 tấc, nhưng nhìn vào nó bạn có thể cảm nhận đẹp ngoài vẻ đẹp tự nhiên của hoa lá, là thế đứng một mình uy nghi, rắn rỏi, khỏe mạnh, như luôn trong tư thế sẵn sàng “nghênh chiến”, chống chọi trước gió mưa, nắng gió. Cây bonsai chính là biểu tượng sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, là sự trường tồn, sức sống mãnh liệt.
Cây hoa giấy bonsai tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc (Nguồn: Internet)
Việc chăm sóc cây bonsai ngoài cần bàn tay khéo léo, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, phương pháp đặc biệt, nên bonsai có giá trị rất lớn về mặt vật chất. Vì vậy đối với nhiều người, đây là công việc tạo ra nguồn thu nhập tương đối lớn.
Những điều thú vị về cây bonsai
Như trên có nhắc đến, cây bonsai có điểm xuất phát từ Trung Quốc từ rất lâu. Nhưng lại phát triển rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc và nay trở nên thịnh hành tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là ở Nhật Bản, nghệ thuật cây bonsai nổi tiếng trên thế giới vì vẻ đẹp tinh tế, độc đáo. Ở Việt Nam có một số nơi trồng cây bonsai nổi tiếng như:
-
Làng du lịch sinh thái Điền Xá ở Nam Định.
-
Làng Nghi Tàm, Quảng Bá ở Hà Nội.
-
Làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp
-
Làng hoa Cái Mơn ở Bến Tre
Vị trí để cây bonsai phụ thuộc vào nguồn gốc, xuất xứ của nó. Nhưng nhìn chung nó thường được đặt ở các vị trí trang trọng, dễ nhìn, thuận tiện cho chăm sóc và đặc biệt có ý nghĩa phong thủy “tài, lộc” như phòng khách, ngoài trời và cây bonsai mini để bàn làm việc,... Và với sự phát triển của công nghệ, chúng ta còn chiêm ngưỡng những cây bonsai lơ lửng trong không gian.
Với mỗi loại cây bonsai có những đặc điểm riêng và phương pháp chăm sóc khác nhau nên tuổi thọ của chúng không giống nhau. Có những cây chỉ tính vài năm, chục năm nhưng có những cây có tuổi hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Và tất nhiên giá trị của nó là vô cùng lớn.
Cây bonsai Bách Xù hơn 1000 tuổi (Nguồn: Internet)
Cách trồng cây bonsai
Mỗi loại cây bonsai cần có phương pháp, cách thức trồng, chăm sóc khác nhau nhưng có một số điểm chung mà bạn cần chú ý như:
Nhiệt độ trồng cây bonsai
-
Nhiệt độ trồng cây bonsai phụ thuộc vào nguồn gốc và đặc điểm của cây. Chúng nên được giữ ấm nhưng không quá nóng, cụ thể:
-
Cây bonsai vùng nhiệt đới, ở trong nhà nhiệt độ thích hợp vào ban ngày là 64-75 độ F (xấp xỉ 18 độ C - 24 độ C), ban đêm là 57 – 61 độ F (xấp xỉ 14 độ C - 16 độ C). Chúng nên được đặt gần nguồn nhiệt.
-
Bonsai vùng Địa Trung Hải & cận nhiệt đới: Nhiệt độ mát hơn, có thể đặt gần cửa sổ hay nơi có máy lạnh.
-
Về lựa chọn nơi trồng, bạn có thể trồng trong nhà, nhà kiếng hoặc ngoài trời, tùy thuộc vào cây bonsai nào. Có những bonsai có sức sống dẻo dai trong mọi hoàn cảnh.
Đặt cây bonsai ngoài trời hoặc trên trong nhà tùy vào từng cây (Nguồn: Internet)
-
Về ánh sáng: nên đặt nơi thoáng đãng, tránh ánh nắng gắt trực tiếp từ mặt trời.
-
Về dinh dưỡng: Thường xuyên kiểm tra tình trạng lá cây để kịp thời điều chỉnh dinh dưỡng trong đất cho cây. Nếu lá vàng, xanh nhạt là do thiếu sắt, nếu nhiều đốm vàng hay nâu thì đất trồng nhiều kali quá.
Chọn đất trồng và kỹ thuật trồng
Kỹ càng trong khâu chọn đất và kỹ thuật trồng cây Bonsai (Nguồn: Internet)
Mỗi loại cây bonsai có những đặc điểm riêng nên bạn cần lưu ý chọn đất trồng cho cây:
-
Đất đảm bảo độ thoáng cao, sạch sẽ không có mầm mống vi khuẩn gây bệnh (đất không chứa chất hữu cơ gây thối & nước có nhiều O2) và đảm bảo đủ lượng đất giúp cây trồng đứng vững, không bị đổ.
-
Chọn loại đất phù hợp với từng loại cây.
-
Nên sử dụng ít đất trồng cũ kết hợp với đất mới.
Về kỹ thuật trồng thì bạn quan tâm một số vấn đề sau:
-
Dựa vào thế cây để có kỹ thuật trồng khác nhau. Nếu cây thế trực, bạn trồng thẳng, thế xiên – trồng nghiêng, thế thác đổ - trồng nằm,...
-
Chọn chậu cây dựa vào độ cao thấp của cây: cây cao thì chậu sâu, cây thấp thì chậu cạn.
-
Khi trồng bạn cần uốn nắn sao cho rễ cây lộ thiên một phần và xòe ra quanh chậu, giúp cây đứng vững.
-
Sau khi trồng xong, bạn nên rải một lớp mỏng đất lên trên rễ đến khi cây cứng cáp, ổn định thì bạn tháo bỏ đi để bộ rễ phát triển thuận theo tự nhiên.
Những lưu ý khi trồng cây bonsai
Một số vấn đề gặp phải khi trồng cây bonsai như:
-
Nếu cây vàng lá, kém xanh là do cây thiếu sắt nên cần bổ sung thêm.
-
Lá đốm vàng, nâu hay vàng cam nghĩa là đất quá nhiều kali, bạn nên bổ sung thêm đất vào.
-
Hiện tượng cây bị héo đi là do thiếu nước, cây rụng lá và thân bị ứa nước là do bị thừa nước. Bạn cần tưới nước vừa phải, phù hợp với từng loại cây, có thể sử dụng máy đo độ ẩm để cho kết quả chính xác nhất.
Cách chăm sóc cây bonsai
Để chậu cây bonsai đẹp và khỏe mạnh, trong quá trình chăm sóc bạn cần đảm bảo các yếu tố sau:
-
Cắt tỉa, uốn nắn thường xuyên giúp cây giữ được dáng đẹp theo mong muốn. vào mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để cắt tỉa. Bạn nên sử dụng các dụng cụ chăm sóc, cắt tỉa dành riêng cho cây bonsai.
Cắt tỉa, uốn nắn bonsai cần sự khéo léo và đúng phương pháp (Nguồn: Internet)
-
Phòng trừ sâu bệnh bằng cách quan sát thường xuyên những dấu hiệu bất thường trên từng bộ phận cây. Không nên để đất quá ẩm ướt quá khiến sâu bọ, côn trùng phát triển.
-
Vệ sinh cây, nhất là cây bonsai trong nhà nhằm khử bụi bẩn, phòng tránh nấm mốc.
-
Cung cấp dinh dưỡng cho đất trồng kịp thời và hợp lý. Lưu ý không bón phân khi cây đang bị bệnh.
-
Tưới nước thường xuyên và đúng cách
Các loại cây bonsai đẹp nhất hiện nay
-
Cây ngũ gia bì bonsai
Cây ngũ gia bì Bonsai (Nguồn: Internet)
Loại cây đâm nét hoài cổ xen lẫn chút nhẹ nhàng, với lá xanh tươi, dáng mềm mại, mùi hương nhẹ dịu có thể xua đuổi muỗi nên nó không chỉ đẹp mà còn rất hữu ích. Hơn nữa, cây có ý nghĩa ổn định và phát triển tài vận cho gia chủ.
-
Cây si bonsai
Cây si bonsai gần 100 tuổi (Nguồn: Internet)
Là loại cây thân gỗ, tán rộng, sống được kể cả thời tiết khắc nghiệt nên để ngoài trời, phòng khách hay bàn làm việc đều được. Cây có ý nghĩa đem lại may mắn, như ý và sinh khí tốt cho người sở hữu nó. Si nằm trong bộ tứ linh: đa-sung-sanh-si nên được nhiều ưa chuộng.
-
Cây hoa giấy bonsai
Đây là loại hoa có nguồn gốc từ Nam Phi và rất quen thuộc tại Việt Nam nhưng nó hình dáng đặc biệt, thân xù xì, to khỏe với dáng cổ thụ, hoa nở rực rỡ. Nó có ý nghĩa phong thủy rất lớn, đem lại may mắn, tài lộc và hạnh phúc.
-
Cây mai chiếu thủy bonsai
Thường có phần thân sần sùi, đậm nét cổ kính, toát lên vẻ sang trọng, chắc khỏe. Nó mang ý nghĩa về sự bền vững, chắc chắn và ổn định.
Cây mai chiếu thủy Bonsai (Nguồn: Internet)
-
Cây lộc vừng Bonsai
Là một trong bốn bộ tứ linh, có ý nghĩa phong thủy đặc biệt, đem lại may mắn, tài lộc, sung túc cho gia chủ. Cây lộc vừng là loài thân gỗ có kích thước lớn nhỏ khác nhau, thường được trồng ở ngoài trời với nhiều tán lá xum xuê, với những chùm hoa là những chuỗi dài thẳng rũ xuống.
Cây lộc vừng Bonsai (Nguồn: Internet)
Tóm lại, với các thông tin ở trên, hy vọng cung cấp thêm cho bạn những kiến thức bổ ích về nghệ thuật cây cảnh - cây bonsai vừa đẹp, vừa nhiều ý nghĩa, biểu tượng và giá trị thẩm mỹ, kinh tế rất cao. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, kiên nhẫn, khéo léo và sáng tạo, nếu có cơ hội nên thử một lần làm “nghệ nhân” làm vườn đầy thú vị này.