Chờ...

Những điều cần biết về cách trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ rất được ưa chuộng trong nội thất vì dễ chăm sóc và bộ lá của cây rất bền. Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để biết thêm về loại cây này.

Cây lưỡi hổ tên gọi khác là cây lưỡi cọp hay hổ vĩ, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tây Phi, Nigeria. Đây được coi là loài cây có sức sống bền bỉ, chịu nóng và khô hạn tốt. Ngoài ra, giống cây này có thể sống trong thời gian dài dù thiếu ánh sáng mặt trời. 

Ý nghĩa cây lưỡi hổ là gì?

Cây lưỡi hổ có rất nhiều loại như lưỡi hổ vàng, đỏ và vằn. Ở các nước phương Đông như Trung Quốc hay Nhật Bản, loại cây này biểu tượng cho sức mạnh của chúa sơn lâm. Chính vì thế mà lưỡi hổ được đặt trong nhà nhằm chống những điều thị phi trong cuộc sống hàng ngày. 

Ngoài ra, lá của cây mọc thẳng thể hiện sự quyết đoán và ý chí cầu tiến trong cuộc sống. Đặc biệt, cây lưỡi hổ phù hợp với người mệnh Thổ, mang ý nghĩa may mắn, giúp gia chủ phát tài lộc. Vào mỗi dịp mừng tân gia hay năm mới, cây được xem là món quà để tặng đối tác, bạn bè hoặc người thân.

voh.com.vn-cay-luoi-ho-1

Lưỡi hổ được coi là biểu tượng sức mạnh của chúa sơn lâm

Những điều thú vị về cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ không chỉ được trồng ở châu Phi mà còn rất được ưa chuộng tại các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Loại cây này có đặc điểm là cứng cáp, khỏe mạnh cùng màu sắc trang nhã, thích hợp đặt ở nơi làm việc hay trong nhà.

Ngoài ra, lưỡi hổ còn được biết đến là cây có tác dụng giảm hiệu ứng nhà kính nên còn được trồng ở các tòa nhà cao ốc, lối ra vào trước thang máy… Nếu đặt cây lưỡi hổ trong nhà, bạn nên để ở vị trí hướng Đông hoặc Đông Nam để phát huy tác dụng giúp phát tài lộc, tiền bạc dồi dào.

voh.com.vn-cay-luoi-ho-2

Lưỡi hổ thích hợp đặt ở nhiều nơi khác nhau

Cách trồng cây lưỡi hổ

Có 2 phương pháp để trồng lưỡi hổ là trồng trong đất và trồng thủy sinh. Đối với cách trồng trong nước bạn nên chọn cây có kích thước nhỏ, mực nước không để quá một nửa chiều cao của rễ và nhiệt độ không được thấp hơn 13 độ C. Bạn cũng có thể cho sỏi vào chậu để cố định cây. Còn đối với cách trồng trong đất phức tạp hơn chút nên chúng tôi sẽ trình bày ở phần dưới đây.

voh.com.vn-cay-luoi-ho-3

Phương pháp trồng lưỡi hổ

Nhiệt độ trồng cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ có thể được trồng ở trong nhà, phòng làm việc hoặc trồng sát nhau để làm hàng rào trước nhà. Đây cũng là loài cây có thể sống trong điều kiện khô nóng và chịu được ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Mặc dù vậy, lưỡi hổ vẫn thích nghi tốt hơn trong bóng râm. Nhiệt độ tốt nhất phù hợp để phát triển của cây là 18-30 độ C. Khi nhiệt độ ở mức dưới 10 độ C, lưỡi hổ sẽ chậm phát triển và nếu cứ kéo dài như vậy cây sẽ chết.

voh.com.vn-cay-luoi-ho-4

Nhiệt độ phù hợp của cây từ 18-30 độ C

Chọn đất trồng và kỹ thuật trồng

Cây lưỡi hổ rất dễ trồng và chăm sóc, đồng thời lá cây mọng nước nên khả năng chịu hạn tốt. Giống cây này phù hợp với nhiều loại đất trồng nhưng tốt nhất nên chọn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và khả năng thoát nước tốt. 

Bạn có thể trồng lưỡi hổ theo 2 cách đó là tách cây con từ những khóm lưỡi hổ hoặc giâm lá. Nên tách bụi cây già có viền vàng và lấy bụi đã có mầm ở thân. Đối với phương pháp giâm lá, bạn chọn những lá non khỏe đẹp, cắt ngang gốc. Khúc lá cắt thành đoạn dài khoảng 5cm sau đó giâm một nửa khúc lá vào chậu. Để cây nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ cao và tưới ít nước cho nhanh mọc mầm và ra rễ.

voh.com.vn-cay-luoi-ho-5

Chọn đất tơi xốp và có khả năng thoát nước

Những lưu ý khi trồng cây lưỡi hổ

  • Lưỡi hổ ưa khô hạn, lá của cây khá mọng nước. Do đó bạn mà tưới quá nhiều nước rễ cây sẽ thối rữa và lá bị úng, nếu cứ kéo dài như vậy dẫn đến chết cây. Để ngăn ngừa tình trạng này bạn cần trồng cây trong chậu có lỗ thoát nước, đất tơi xốp. Bạn cũng có thể bỏ thêm tro trấu hoặc mùn cưa vào gốc cây. Tưới 1-2 lần mỗi tuần với lượng nước vừa đủ, không nên đặt cây nơi ẩm ướt và cắt bỏ chỗ bị hư thối.
  • Các bệnh phổ biến hay gặp ở cây sẽ được thể hiện qua màu lá. Khi lá đổi màu vàng nâu, khô nhăn đồng nghĩa với cây thiếu nước. Để khắc phục tình trạng đó bạn cần cắt bỏ phần lá bị nâu và tưới cây bất cứ khi nào bị khô. Nên tạo vết cắt ngọt để tránh để lại sẹo trên lá, đồng thời bệnh sẽ không bị lan rộng ra.
  • Cây lưỡi hổ thường có rệp trắng và nhện đỏ phá hoại, những loài này hút nhựa khiến cây suy yếu và rụng lá. Bạn có thể dùng dụng cụ làm vườn hoặc lau rửa lá bằng cồn, rượu… để loại bỏ côn trùng bám trên lá cây. Hoặc bạn sử dụng thuốc xịt muỗi nhưng cần phải đem cây ra vườn trước khi phun. 

voh.com.vn-cay-luoi-ho-6

Bệnh thường gặp phải ở lưỡi hổ

Cách chăm sóc cây lưỡi hổ

Bạn không cần phải tưới nước thường xuyên. Nên tưới từ dưới lên và khi đất ở cây khô. Vào khoảng thời gian mùa lạnh hoặc mưa chỉ cần tưới 1 lần trong tháng. Tính chất loài cây này giống với cây xương rồng, do đó không tốn quá nhiều công chăm sóc. 

Bạn không cần bón phân thường xuyên. Đến mùa xuân và hè bón cây mỗi tháng 1 lần với loại phân giàu potasse, phân chuồng hoặc phân khoáng. Khi rễ cây phát triển, bạn cần thay chậu và chọn đất có khoảng ⅓ loại cát to, đồng thời để ý đến việc thoát nước của cây tránh bị úng.

Cây lưỡi hổ có độc không?

Có nhiều người thắc mắc rằng cây lưỡi hổ có độc không? và chúng tôi xin trả lời là có. Mặc dù giống cây này đem lại lợi ích về phong thủy và sức khỏe nhưng nếu bạn ăn nhiều hoặc ăn trực tiếp lưỡi hổ sẽ gây độc. Chẳng may bạn nuốt hay nhai lưỡi hổ sẽ có cảm giác buồn nôn và gây kích ứng đối với người da nhạy cảm. Nhưng bạn vẫn có thể yên tâm vì độc tính cây này không lớn.

Trong số các cây cảnh nên trồng trong nhà, cây lưỡi hổ luôn được ưu tiên. Bởi vì cây không chỉ khiến cho không gian nhà bạn thêm đẹp mà còn lợi ích về phong thủy, sức khỏe. Ngoài ra, lưỡi hổ rất dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc. Loài cây này thường được mọi người tặng cho nhau vào những dịp đặc biệt.

Nguồn ảnh: Internet

Bật mí 8 cách trang trí chậu cảnh cho không gian nhà bạnNếu bạn đã cảm thấy chán ngán với những chậu cây đất nung truyền thống. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn 8 cách trang trí chậu cảnh giúp tô điểm cho không gian thêm sinh động và màu sắc.
Hoa hồng tỉ muội – Loài hoa biểu trưng của tình yêu thươngHoa hồng tỉ muội có tên khoa học là chinensis Jacq.Var.minima Redh. Cây còn có tên gọi khác là hoa hồng tiểu muội hay hồng nhài. Hoa hồng tỉ muội thường được trồng làm cảnh vì hoa nở đẹp