Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

8 tác dụng của cây râu mèo ít người biết

(VOH) - Không chỉ đẹp, cây râu mèo còn có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh đường tiểu. Hãy khám phá ngay tác dụng của cây rau mèo qua những thông tin hữu ích dưới đây.

1. Đặc điểm của cây râu mèo

Cây râu mèo (tên khoa học là Orthosiphon aristatus, còn gọi là cây bông bạc) là một loại cây thuộc họ Hoa môi. Đây là loại cây thuốc mọc chủ yếu ở Đông Nam Á và vùng nhiệt đới của Australia. Vì có hình dáng rất giống với bộ râu mèo nên loại cây này được gọi là cây râu mèo.

8-tac-dung-cua-cay-rau-meo-it-nguoi-biet-voh

Toàn thân cây râu mèo (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, cây râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như Cao Bằng, Thanh Hóa, Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên, Kiên Giang,…Tuy được trồng nhiều nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo Viện Dược liệu, mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu hàng chục tấn dược liệu cây râu mèo từ Trung Quốc, Campuchia,…

2. Cây râu mèo có tác dụng gì?

Theo Đông y, cây râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng để chữa bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, viêm thận cấp tính và mạn tính, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu,…

Cụ thể, một số tác dụng của cây râu mèo đáng chú ý gồm có:

2.1 Tăng bài tiết nước tiểu

Dịch chiết từ cây râu mèo có tác dụng tăng cường bài tiết nước tiểu và các chất điện giải Na+, K+, Cl.

2.2 Chữa bệnh sỏi thận

Theo các tác giả Ấn độ, cây râu mèo rất có ích trong điều trị bệnh sỏi thận và thận phù thũng. Cây râu mèo có tác dụng kiềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữa cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận.

Ở Thái Lan, thí nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh, dịch cây râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat (oxalat với hàm lượng cao có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận).

Bài thuốc:

Dùng 6 – 10g cây râu mèo khô, rửa sạch hãm với ½ lít nước sôi như hãm trà. Chia 2 lần uống trong ngày, dùng trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Uống lúc nước còn nóng, uống liên tục 10 ngày, nghỉ 4 ngày rồi uống tiếp đợt khác.

Hoặc dùng cây râu mèo, cây chó đẻ răng cưa, thài lài, mỗi vị 30g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước, sắc còn 250ml, uống trong ngày trước khi ăn, uống lúc nước còn nóng. Dùng 5 – 10 ngày một liệu trình.

8-tac-dung-cua-cay-rau-meo-it-nguoi-biet-voh

Cây râu mèo khô (Nguồn: Internet)

2.3 Trị tiểu tiện không thông (tiểu buốt, tiểu rắt)

Dùng 40g râu mèo, 30g thài lài trắng, rửa sạch cho 750ml nước vào đun nhỏ lửa, sau đó thêm khoảng 6g hoạt thạch. Dùng nước này uống trong ngày, uống liền 5 ngày. Nếu tiểu tiện bình thường trở lại thì ngừng thuốc.

2.4 Hạ đường huyết

Dịch chiết lá râu mèo có tác dụng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường).

Bài thuốc:

Dùng 50g cây râu mèo tươi, 50g khổ qua (dây, lá, quả non tươi), 6g cây mắc cỡ. Tất cả rửa sạch đem sắc với 800ml nước còn 250ml. Lấy nước này uống trong ngày, dùng liên tục 1 tháng, sau đó kiểm tra lại lượng đường huyết trong máu.

2.5 Bảo vệ gan

Chất ly trích bằng metanol từ lá cây râu mèo có tác dụng bảo vệ gan bị tổn hại bởi việc dùng quá liều paracetamol.

2.6 Tăng sức đề kháng

Các flavonoid trong cây râu mèo có tác dụng chống oxy hóa và bẫy gốc tự do (chất gây tổn hại cho tế bào và hệ miễn dịch của cơ thể). Do vậy, cây râu mèo còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

8-tac-dung-cua-cay-rau-meo-it-nguoi-biet-voh

Hoa cây râu mèo (Nguồn: Internet)

2.7 Trị mụn hiệu quả

Tác dụng của mỹ phẩm có trích tinh cây râu mèo tốt hơn khi so sánh với chế phẩm trị mụn thông thường chứ 1% kẽm gluconat.

2.8 Trị táo bón kéo dài

Dùng 30g cây râu mèo, 30g cỏ lưỡi rắn, 30g cây chó đẻ, 20g atiso, 30g cỏ mực. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm với 1 lít nước, sắc còn 750ml nước để uống trong ngày. Dùng 3 tuần, nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp trong 1 tháng.

Lưu ý: Với liều lượng thông thường cây râu mèo không có độc tính. Tuy nhiên, do tác động trên sự cân bằng ion K+, Na+,…và các phân hóa tố nên không dùng cây râu mèo liều lượng cao thường xuyên và lâu dài được. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ không nên dùng cây râu mèo.

Như vậy, cây râu mèo là một loại cây dược liệu được dùng phổ biến để chữa bệnh. Nếu muốn chữa bệnh từ cây râu mèo thì bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc nhờ thầy thuốc hướng dẫn bài thuốc phối hợp với các loại cây dược liệu khác để trị đúng cách và hiệu quả hơn, tuyệt đối không tự ý phối hợp cây râu mèo với các loại cây tùy ý.

Bình luận