1. Vì sao lại có máu bầm?
Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi xuất huyết dưới da. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi bị chấn thương, va chạm, tụ máu sau phẫu thuật, sau tiêm truyền và cũng có khi do các bệnh lý về máu...
Khi nhìn thấy các vết bầm tím do tụ máu trên da bạn cần biết rằng máu (hồng cầu) đã thoát ra khỏi mạch máu và tiếp theo sẽ là hàng loạt các phản ứng nối tiếp nhau một cách nhanh chóng, nhằm tạo ra một nút cầm máu ở tại vùng tổn thương để ngăn ngừa chảy máu tiếp cũng như hàn gắn vết thương, sau cùng là lập lại sự lưu thông bình thường.
Máu bầm có thể xuất hiện sau chấn thương, va chạm... (Nguồn: Internet)
Quá trình trên là một sự tương tác rất phức tạp của nhiều yếu tố như thành mạch, tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Diễn tiến của quá trình không đảo ngược và không thể thúc đẩy làm nhanh hay chậm, chúng ta chỉ có thể hạn chế sự chảy máu để làm chỗ bầm máu không chảy thêm mà thôi.
Vùng tụ máu bầm dưới da có thể nhỏ hoặc lớn tùy theo mức độ tổn thương mạch máu. Thông thường, sau 3 – 5 ngày các vết máu bầm sẽ thay đổi màu sắc từ màu đỏ sậm sang màu xanh, chuyển sang màu vàng hoặc xanh lá cây và từ từ biến mất. Tuy nhiên, nếu bị chấn thương nặng thì có thể các vết bầm sẽ ở lại trên da vĩnh viễn mà không biến mất.
2. Có những cách nào làm tan máu bầm nhanh?
Bác sĩ Nguyễn Nhật Ninh – chuyên khoa về da liễu cho biết, với các vết máu bầm nhẹ do té ngã, đụng cạnh bàn, trượt cầu thang,... thì thường thương tổn sẽ không lớn. Những trường hợp này, bạn có thể làm tan máu bầm bằng cách chườm lạnh.
Chườm lạnh hoặc dùng đá hoặc nước đá đắp ngay lên chỗ đau. Đắp liên tục trong vài tiếng đồng hồ sẽ giúp mạch máu co lại, khiến vết thương giảm viêm, giảm sưng, giảm chảy máu.
Với những vết bầm nhẹ có thể làm tan máu bầm bằng cách chườm lạnh (Nguồn: Internet)
Với trường hợp va đập mạnh, sau chườm lạnh, ngày hôm sau cần dùng khăn nhúng nước thật nóng, vắt khô rồi đắp lên chỗ bầm. Khăn nguội thì lại làm lại, cứ thế liên tục trong 1 - 2 tiếng đồng hồ tùy theo vết bầm lớn hay nhỏ.
Nếu bạn có vết bầm máu sau khi phẫu thuật, bạn có thể xịt nước khoáng kết hợp với chườm lạnh để giúp giảm sưng và làm tan máu bầm nhanh hơn. Những vết bầm máu ở chân tay, bạn có thể làm tan máu bầm bằng cách trên kết hợp với băng ép thành mạch, kê cao chi bị chấn thương...
Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm thuốc thoa ở ngoài da trên vùng tụ máu để làm tan máu bầm nhanh hơn.
2.1 Một số trường hợp cần nên đến bệnh viện
Theo bác sĩ Nhật Ninh, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các vết bầm máu trên da cũng như có nhiều nguy cơ có thể làm thành mạch bị tổn thương. Điển hình nhất là người già thường dễ xuất hiện máu bầm dưới da hơn do thành mạch cứng hơn dễ vỡ hơn.
Ngoài ra, những người bị béo phì hay đang có bệnh lý chẳng hạn như rối loạn quá trình đông máu (giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu), rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch... cũng có thể xuất hiện máu bầm.
Không nên chủ quan với những vết bầm máu dưới da (Nguồn: Internet)
Do vậy, bạn không nên chủ quan với những vết bầm dưới da, đặc biệt nếu thấy xuất hiện nhiều vết tụ máu dưới da mà không có nguyên do rõ ràng hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ xuất hiện lặp đi lặp lại thường xuyên thì bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra máu, vì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về rối loạn đông máu cần được điều trị kịp thời.
3. Có nên áp dụng cách làm tan máu bằng bằng trứng gà, dầu nóng...?
Rất nhiều người thường có thói quen dùng trứng gà hay dầu nóng thoa lên vùng có máu bầm để làm tan máu bầm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, không nên lăn trứng gà, xoa dầu nóng lên vết máu bầm, bởi chúng có thể khiến vị trí chấn thương bị chảy máu nhiều và vết thương viêm nhiễm nặng hơn.
Bạn sẽ thấy sau khi lăn trứng gà, bôi dầu nóng vùng máu bầm sẽ càng nhiều và sưng to. Nếu máu bầm nhiều trên một vùng da bị chấn thương thiếu máu nuôi có thể sẽ gây ra hiện tượng chết (hoại tử) da ở vùng đó.