35-40% ôtô đăng kiểm không đạt yêu cầu

(VOH) - Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ ôtô đăng kiểm định kỳ không đạt yêu cầu lên tới 35-40%, gấp 3-4 lần so với giai đoạn trước,

Phần lớn xe không đạt nằm trong nhóm kinh doanh vận tải, có xe phải kiểm định lại đến 6 lượt.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam: "Sau khi công an điều tra sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm, các đơn vị hiện đã siết chặt công tác kiểm định theo đúng quy định, không buông lỏng, để lọt xe không đạt tiêu chuẩn như trước".

Phương tiện không đạt yêu cầu, phải kiểm định nhiều lần đã làm gia tăng tình trạng ùn tắc, phát sinh chi phí, thời gian cho chủ xe, tạo thêm áp lực cho trung tâm đăng kiểm cũng như chủ xe khác.

Vì vậy Cục Đăng kiểm Việt Nam tuần qua đã đề nghị Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp và người sử dụng chủ động kiểm tra xe, khắc phục hư hỏng trước khi đi kiểm định.

đăng kiểm
35-40% ôtô đăng kiểm không đạt yêu cầu, trong đó chủ yếu là xe kinh doanh vận tải

Đọc thêm: TPHCM: Từ ngày 17/4, các trung tâm đăng kiểm chỉ nhận kiểm định ô tô đăng ký online

Cục Đăng kiểm khuyến khích người dân linh hoạt đặt lịch hẹn trước qua phần mềm của Cục và đăng ký trực tiếp. Phương tiện không được xếp hàng chờ đợi tại trung tâm đăng kiểm nếu không đúng thời gian đã đăng ký nhằm tránh ùn tắc cũng như tránh việc cò xe lợi dụng gây mất trật tự, có các hành vi tiêu cực.

Trước khi kiểm định, chủ xe cần tra cứu cảnh báo phương tiện tại mục "Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện" trong mục "Tra cứu dữ liệu" trên Cổng Thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm tra tình trạng phạt nguội và chủ động xử lý.

Chủ xe chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như: Đăng ký xe; tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị.

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bình luận