86,86% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật An ninh mạng

(VOH) - Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ 86,86% trên tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành.

Theo kết quả biểu quyết, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 95,69%), trong đó 423 đại biểu tán thành (chiếm 86,86%), 15 đại biểu không tán thành (3.08%) và 28 đại biểu không biểu quyết (5,75%).

86,86% ĐBQH tán thành thông qua Luật An ninh mạng

Kết quả biểu quyết thông qua Dự thảo Luật An ninh mạng Kết quả biểu quyết thông qua Dự thảo Luật An ninh mạng.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết riêng 2 điều quan trọng: Điều 10 (Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia) và Điều 26 (Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng).

Kết quả biểu quyết riêng hai điều luật, Điều 10 có 423 đại biểu tán thành (chiếm 86,86%), 20 đại biểu không tán thành (4,11%) và 15 đại biểu không biểu quyết (3,08%). Điều 26 có 398 đại biểu tán thành (chiếm 81,72%), 41 đại biểu không tán thành (8,42%) và 24 đại biểu không biểu quyết (4,93%).

Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua gồm 7 chương 43 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Do đó, việc Việt Nam áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia. Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Các yêu cầu bao gồm dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Tại Việt Nam, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Singgapore. Nếu quy định của luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, điều này là hoàn toàn khả thi.

Bình luận