Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ quan tâm đến lãng phí trong khoa học công nghệ. Về quản trị, khai thác tài nguyên, năng lượng tái tạo, đại biểu cho rằng hiện tại còn lãng phí ở việc thiếu sự lồng ghép giữa các dự án, còn bất cập trong công tác theo dõi, giám sát, quản lý.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cơ chế để nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các bộ, ngành, trao quyền cho địa phương để quản lý, theo dõi các dự án. Nếu quản lý đơn lẻ, đơn tuyến như hiện nay thì sẽ gây nhiều lãng phí trong đầu tư công.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chỉ rõ đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, Báo cáo chỉ nêu quản lý, sử dụng kinh phí, sự nghiệp khoa học công nghệ chưa triệt để, tiết kiệm chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí mà chưa chỉ ra được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể là việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc dẫn đến tiền trong Quỹ còn nghẽn là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra tại sao những vướng mắc trong quản lý sử dụng Quỹ tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ. Cử tri kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học công nghệ bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.
Từ những phản ánh trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị cần rà soát tổng thể để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ tại doanh nghiệp; thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, từ đó đánh giá đúng mức đóng góp của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ.
Đại biểu nhấn mạnh cùng với cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành cần gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước với các nguồn lực xã hội để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.