An ninh nước sạch là vấn đề toàn cầu

(VOH) - Trong nỗ lực cấp nước sạch cho người dân sử dụng của chính quyền TPHCM, các hộ dân trên địa bàn đã được tiếp cận nước sạch bằng nhiều hình thức, từ thiết bị lọc nước, bồn chứa nước, đồng hồ tổng đến việc gắn từng đồng hồ con đến từng hộ.

Trong lộ trình cấp nước sạch, thành phố sẽ dần hoàn thiện mạng lưới đường ống cấp nước để gắn đồng hồ nước cho từng hộ dân với kinh phí đầu tư khá lớn khoảng 5.000 tỉ đồng. Trong khi đó, quá trình cấp nước vẫn còn nhiều vấn đề khác cần khắc phục. Như hiện nay, vẫn phải thay đổi thói quen sử dụng nước giếng của người dân, vấn đề chất lượng nguồn nước cung cấp, việc thất thoát, xì bể đường ống cũ, giảm giá thành nước… Đây là những vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng, ngành cấp nước và người dân trong lộ trình cấp nước sạch sắp tới.

Nghi ngờ chất lượng nước 

Hiện nay những hộ dân hiểu được giá trị của nguồn nước sạch đối với sức khỏe của chính mình và gia đình, thì đều mong muốn được sử dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số hộ dân trên địa bàn TPHCM đã được cấp nước sạch nhưng không sử dụng.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên Sawaco, số hộ dân không sử dụng nước máy được cấp phần lớn ở huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Bình Tân, Gò Vấp. Như ở Hóc Môn, số hộ dân sử dụng 0 mét khối nước máy chiếm 28%, dưới 4 khối chiếm 32%; quận 12 có 18%-19% hộ dân sử dụng 0 mét khối nước máy và 21% sử dụng dưới 4 mét khối. Tương tự quận Bình Tân và huyện Bình Chánh hiện nay gần 14.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0. Một số nơi khác còn có tình trạng người dân sử dụng khuyến mãi mấy khối nước đầu, hết phần nước khuyến mãi thì không dùng nước máy nữa mà chuyển qua sử dụng nước giếng.

Lý do được người dân giải thích là họ ngại giá nước cao, cho rằng áp lực nước yếu, số khác do thấy bất tiện trong việc lấy nước tại đồng hồ tổng, bồn chứa nước. Có người còn hoài nghi chất lượng nguồn nước được cung cấp, quen sử dụng nước giếng và thấy không hại gì đến sức khỏe nên vẫn dùng như hộ bà Nguyễn Thị Ngọc, ở số 438B, tỉnh lộ 8, ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, dù khu vực này nước máy đã về đến nhưng một số hộ nơi đây vẫn còn hoài nghi về độ sạch và an toàn của nguồn nước máy nên vẫn chưa sử dụng.

"Thời gian đầu còn ngại đường ống không được sạch nên chỉ xài rửa, xả nước. Còn chủ yếu vẫn là nước giếng khoan. Mong sao nước máy trong đường ống đảm bảo sạch, phải có kiểm định, giám định người dân mới yên tâm sử dụng, chứ nước về mà không đảm bảo mình sợ cũng đâu dám xài”, bà Ngọc cho hay.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khảo sát tình hình nước sạch trên địa bàn ngoại thành - Ảnh: Báo TNMT

Nước giếng không đảm bảo chất lượng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong 1.400 mẫu nước giếng ở 7 quận huyện ngoại thành được kiểm tra, đa số không đạt về chất lượng lý hóa, độ pH thấp và hàm lượng sắt cao, một số không đạt chất lượng vi sinh. Đặc biệt, chất amoni trong nước có thể chuyển hóa thành nitrat, nitrit làm cơ thể người sử dụng nước bị thiếu oxy, gây nhiều bệnh nguy hiểm khác. Điều đáng lo ngại là qua kiểm tra phát hiện 110/1.400 mẫu nước giếng bị nhiễm chất amoni có thể do giếng đào quá cạn nên chất hữu cơ từ bên ngoài thấm vào, hoặc giếng đào gần các khu vực ô nhiễm, chăn nuôi.  

Ông Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cảnh báo: “Qua giám sát hiện nay, thực tế cho thấy nước giếng tại TPHCM không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế về nước sinh hoạt, độ pH thấp, nhiễm sắt và các chất khác, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như: Tiêu hóa, bệnh lý ngoài da. Y tế dự phòng khuyến cáo bà con nên sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp. Những nơi nào chưa được cung cấp nước sạch, bà con nên xử lý nước tại hộ gia đình để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng”.

Ngoài vấn đề về sức khỏe, việc giữ thói quen khai thác nguồn nước giếng một cách ồ ạt và không đúng quy chuẩn còn làm cho nền đất nơi đó sụt lún, cơ sở hạ tầng đường sá, nhà cửa, hệ thống thoát nước cũng lún theo. Đáng lo ngại hơn, trên phạm vi diện rộng cũng sẽ tác động rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm tại đó do khoan, trám, lấp không đúng kỹ thuật.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, theo số liệu điều tra đến cuối năm 2016, trong số gần 309.000 hộ dân có giếng khoan với lưu lượng khai thác khoảng gần 356.000 khối/ngày, vẫn còn gần 281.000 hộ dân sử dụng giếng khoan, khoảng hơn 13.000 doanh nghiệp sử dụng giếng khoan cho sinh hoạt. Từ số liệu này, sở đang xây dựng phương án, lộ trình giảm khai thác nước ngầm, tráng lấp giếng để bảo vệ nguồn nước.

“Ngừng khai thác nước ngầm là chủ trương rất lớn, trong phần trám lấp trong Luật Tài nguyên Nước hiện nay, đối với hộ dân khai thác sử dụng trong sinh hoạt, hộ gia đình thì không phải xin phép. Đây là vấn đề rất khó trong quá trình kiểm tra, giám sát nên vận động là chủ yếu”, bà Mỹ cho biết.

Ông Bạch Vũ Hải, Phó giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên Sawaco đồng ý với phương án nếu không đủ điều kiện, người dân có thể sử dụng một phần nước giếng khoan cho sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi, còn ăn uống tắm giặt thì nên sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, việc tráng lấp các giếng cần phải được Sở Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn. Khi tùy tiện tráng lấp không đúng quy trình, kỹ thuật sẽ gây ra sự xâm nhập phá hủy các tầng nước ngầm, mà đây là tài sản vô giá.

 Đảm bảo an ninh nguồn nước

Về giảm thất thoát nước, thời gian qua, tỉ lệ này của Sawaco đã đạt và vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng đã phê duyệt theo quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2025 đạt 32%. Trong vòng 10 năm qua, Sawaco đã thay hơn 2.000km đường ống nước. Theo lãnh đạo Thành phố, hiện nay đường ống cũ còn chưa tới 200km, nếu thay thế hết số lượng ống này thì không chỉ giảm thất thoát mà còn nâng cao chất lượng đường ống để người dân có thể uống nước tại vòi.

Ông Bạch Vũ Hải, cho rằng vấn đề giảm thất thoát nước, theo chỉ đạo của Bí thư thì phấn đấu đến năm 2020 là 5% là khó. Đặc thù cấp nước của Tổng công ty thành lập 2 Cục thoát nước là Tân Hiệp và Thủ Đức. Do đường ống quá dài nên việc quản lý công trình ngầm, thi công hiện nay quản lý không được. Tiếp đó, để thực hiện điều này, một số công trình tổng công ty cải tạo thay thế ống mới rồi, thì tận gốc của đường ống cũ hiện nay vướng những đoạn đường cấm đào thì không xử lý được nên hiệu quả không đạt. Thứ hai nữa là việc xì bể, phải có cơ chế làm sao khi phát hiện xì bể xử lý ngay mà không cần phải xin phép.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhìn nhận Sawaco đã rất nỗ lực giảm thất thoát nước, tuy nhiên cần phấn đấu hơn nữa đưa tỉ lệ này giảm hơn một số nước trong khu vực, đồng thời, xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia để có giá thành nước cạnh tranh, chất lượng nước đảm bảo cho người dân sử dụng.

“Cố gắng đến năm 2020, giảm xuống 10% tỷ lệ thất thoát nước. Và trong giá thành bán ra, UBND TP và người dân chỉ chấp nhận chừng đó phần trăm thôi. Bởi vì khi chúng ta còn chấp nhận tỷ lệ thất thoát nước là phần đương nhiên trong giá thành, thì rõ ràng sự phấn đấu là khó. Thứ hai là để đảm bảo an ninh nguồn nước, không để bất ngờ. Muốn thế thì việc dự phòng, chuẩn bị nguồn nước thay thế, an ninh nước sạch không chỉ là vấn đề lớn của thành phố mà là vấn đề của toàn cầu”, Bí thư Thăng yêu cầu.

Hiện nay, trước vấn đề biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm mặn, Sawaco cũng cho biết đã nghiên cứu hàng loạt giải pháp nhằm đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước. Trước mắt, năm nay, đơn vị đã đưa vào vận hành hai bể chứa nước tại Nhà máy nước Thủ Đức và Nhà máy nước Tân Hiệp với dung tích tới 180.000m3, cung cấp nước cho người dân TP.HCM trong vòng 6 đến 8 giờ trong trường hợp nhà máy bị sự cố hoặc nguồn nước nhiễm mặn. Đơn vị này cũng nghiên cứu sử dụng lại hệ thống 47 giếng khoan cũ, xây các bể chứa nước tại 7 thủy đài nước cũng như tiếp cận công nghệ xử lý nước mới. Ngoài ra, dự kiến xây bể chứa nước thô ở Củ Chi và tại các công viên như Gia Định, Thảo cầm viên.