Bài 2: Phải gỡ khó để tránh lãng phí

(VOH) - Xét cho cùng, khu lưu trú dành cho công nhân thì phải đáp ứng các tiêu chí của người ở chứ không phải đáp ứng tiêu chí của người xây dựng.

Khu lưu trú công nhân công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam – KCX Linh Trung 1 - Ảnh: Hepza.

Có nơi, khu lưu trú đầy ắp công nhân, vì sao?

Khác hẳn với sự thiếu vắng công nhân vào ở các khu lưu trú như KCN Vĩnh Lộc, KCX Tân Thuận và một số khu lưu trú khác như đã đề cập trong bài viết trước, thì khu lưu trú công nhân của công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam – KCX Linh Trung 1 có sức chứa 2.000 chỗ đã lấp đầy công nhân.

Điều khác biệt của khu lưu trú này là công ty hỗ trợ cho công nhân ở miễn phí, những dịch vụ tiện ích đi kèm như internet, truyền hình cáp, khu vui chơi giải trí, phòng đọc sách, phòng hát karaoke, thư viện, phòng đọc sách cũng được phục vụ miễn phí cho công nhân. Sự lắp đầy này là do đã có một sự hài hòa nhất định giữa lợi ích của người công nhân với chủ đầu tư.

Phải tìm cách gỡ khó

Đặt vấn đề trở lại về việc chưa thu hút công nhân tại khu lưu trú KCN Vĩnh Lộc, ông Võ Văn Thân - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH KCN Vĩnh Lộc cho rằng: "Theo thiết kế, một phòng là 8 người với đơn giá 1.920.000 đồng/phòng. Nhưng nếu so sánh về cơ sở vật chất, tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu thì khu lưu trú có những tính năng ưu việt hơn so với các khu nhà trọ bên ngoài. Được sử dụng nước sạch, giá điện ưu đãi theo định mức của TP, có khu vui chơi giải trí, đi siêu thị mua sắm, đảm bảo tất cả nhu cầu về đời sống cho người lao động. Tuy nhiên đơn giá có hơi cao hơn so với bên ngoài một tí".

Theo ông Thân, chuyện giá cả như trên dù cao hơn bên ngoài nhưng là phù hợp với những tiện ích và dịch vụ đi kèm. Song tại buổi gặp gỡ và tiếp xúc giữa lãnh đạo TP và công nhân tại các KCX-KCN Vĩnh Lộc được tổ chức mới đây, nguyện vọng lớn nhất của nhiều anh chị em công nhân ngoài thu nhập, tiền lương thì vấn đề nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu. Sự chênh lệch giá trong khu lưu trú với nhà trọ bên ngoài dù chỉ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/tháng đối với thu nhập của công nhân là một sự chênh lệch lớn, dù đại đa số đều muốn vào ở khu lưu trú vì có đến 80% công nhân đang làm việc tại KCN này là người ngoài tỉnh.

Nhu cầu lớn như vậy mà khu lưu trú chưa được lấp đầy quả là một sự lãng phí. Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP nói: "Đây là một sự lãng phí, tôi cho rằng phải xử lý sớm. Xử lý bằng cách nào? Một là phải điều chỉnh quy chế để thu hút công nhân lao động vào ở. Một căn hộ mà bố trí 8 người thì không thể và không bao giờ ở được, vì công nhân chứ không phải doanh trại quân đội. Thứ hai là phải có khu nam và khu nữ, không thể bố trí lẫn lộn được vì sẽ có những chuyện phát sinh ngoài ý muốn. Do đó, tôi thấy rằng cái gì chúng ta làm là phải thực tế. Đây thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban quản lý các KCX-KCN và Ban quản lý công ty hạ tầng của KCN Vĩnh Lộc".

Sự điều chỉnh này chắc chắn cần phải được áp dụng không chỉ ở KCN Vĩnh Lộc mà còn tại các khu lưu trú khác bởi đó là sự điều chỉnh cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân.

Xét cho cùng, khu lưu trú dành cho công nhân thì phải đáp ứng các tiêu chí của người ở chứ không phải đáp ứng tiêu chí của người xây dựng.

Dựa theo khảo sát của ngành chức năng, có đến 97% công nhân khi được hỏi đều không đồng ý với quy định không cho người thân vào ở khi họ thuê phòng trong khu lưu trú, 79% cho rằng phòng ở quy mô lớn 8 người không thuận tiện trong sinh hoạt và 63% không đồng ý với quy định không được nấu ăn, vui chơi, tổ chức gặp gỡ bạn bè tại phòng lưu trú. Ngoài ra, muốn thuê phòng trong khu lưu trú phải thông qua sự giới thiệu của doanh nghiệp chứ bản thân người công nhân có nhu cầu không thể tự liên hệ trực tiếp với ban quản lý khu lưu trú. Từ những lý do đó nhiều anh chị em công nhân phải chọn giải pháp thuê nhà trọ bên ngoài cho tiện dù biết rằng những tiện ích của khu nhà trọ không thể sánh bằng ở khu lưu trú.

Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo TP, bởi người lao động làm việc tại TP nói chung và người công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN TP nói riêng là nguồn lực đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của TP. Do đó, đã lo được nhà lưu trú cho công nhân thì phải tập trung tháo gỡ những cái khó, hạn chế để thu hút họ vào ở. Và xét cho cùng, khi đã có chỗ ở ổn định thì họ mới yên tâm lao động, sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó bí thư Thành ủy cho rằng, Ban quản lý các KCN-KCX cần phải rút kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng nhà lưu trú cho công nhân: "Vấn đề khu lưu trú giống nhau cái chuyện, xây dựng nhà lưu trú nhưng mà anh chị em công nhân vào đây ở rất ít, không hiệu quả. Vì sao? Tại sao không rút kinh nghiệm? Sở, ngành với ban quản lý các KCN mình không rút kinh nghiệm từ đó. Một là làm nhà lưu trú cho công nhân có những cái mình làm quá sang, thứ hai nữa là vấn đề quy chế, phòng bố trí như thế nào cho hợp lý".

Để có 14 dự án nhà lưu trú công nhân được xây dựng tại các KCX-KCN với quy mô 20.000 chỗ ở dù chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu nhà ở cho 80% lao động ngoài tỉnh nhưng đó là một sự cố gắng lớn của TP, của công ty hạ tầng và của cả doanh nghiệp trong việc tạo nguồn quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, không thể vì những lý do khó khăn như đã đề cập mà làm giảm đi ý nghĩa tích cực của những khu lưu trú công nhân.