Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỉ đồng, 348 người chết và mất tích

VOH - Bão số 3 làm 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 190.000 ha lúa và 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, tính ra thiệt hại về tài sản khoảng 40.000 tỉ đồng, 348 người chết và mất tích.

Sáng 15/9, diễn ra Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

phong-chau-110008
Sập cầu Phong Châu do ảnh hưởng của bão số 3

Các báo cáo tại hội nghị cho thấy bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa. Các tỉnh, thành phố này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước.

Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại lớn và có thể còn tiếp tục tăng lên.

“Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Do tác động bão số 3, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, theo Bộ KH&ĐT.

Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, Quý IV giảm 0,22% và ước cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7% trước đó.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.

Báo cáo cho thấy nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông  đường bộ và đường sắt bị đình trệ cục bộ.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nông nghiệp sau bão số 3 là vô cùng nghiêm trọng. Theo thống kê, gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 190.000 ha lúa và 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại, và 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, hơn 2,6 triệu gia súc, gia cầm đã bị chết, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Bộ KH&ĐT đánh giá các trang trại, hộ trồng lúa, hoa mầu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản “là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất”. Cạnh đó, nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Đồng thời, cần sớm khắc phục hệ thống kết cấu hạ tầng về đường xá, cầu, cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, thông tin, trường học… đang bị hư hại.

Bình luận