Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại Hà Nội: 1 người chết, hàng nghìn cây xanh đổ

HÀ NỘI - Ngày 7/9, cơn bão số 3 đã đổ bộ vào Hà Nội, gây ra hậu quả nghiêm trọng với 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương, cùng nhiều thiệt hại về tài sản và môi trường.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, từ 7h đến 19h cùng ngày, một người đã tử vong do bị cây đổ trúng trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Ngoài ra, 3 người khác ở quận Ba Đình bị thương và đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.

cayde_voh
Cây đổ đè lên đường dây điện ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội. - Ảnh: PLĐS

Bão số 3 không chỉ gây thiệt hại về người mà còn tàn phá nhiều tài sản. Mưa lớn và gió mạnh đã làm hư hỏng 6 xe máy và 13 ô tô. Nhiều ngôi nhà tại Hà Nội bị sập hoặc tốc mái, tường rào của hàng trăm hộ gia đình bị đổ. Hơn 47 ha diện tích lúa và 26,5 ha rau màu bị ngập nước, trong đó 6.144,5 ha lúa và 15,93 ha rau màu bị hư hỏng nặng. Thiệt hại còn bao gồm 2,2 ha cây ăn quả bị đổ rạp.

Đặc biệt, bão số 3 đã khiến 2.455 cây xanh trong khu vực thành phố bị đổ và 273 cành cây lớn gãy rụng, gây nguy hiểm cho giao thông. Một số địa điểm như kênh chính Đan Hoài tại huyện Hoài Đức còn xuất hiện tình trạng tường chắn bị sụt đổ, nứt vỉa hè dài 50m, gây khó khăn cho người dân và các phương tiện qua lại.

Cùng với đó, 17 trạm bơm nước tại các huyện như Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng đã bị mất điện do ảnh hưởng từ bão, hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực khắc phục tình hình để ổn định sinh hoạt cho người dân.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc tại Sở chỉ huy tiền phương đóng tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ông yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần nhanh chóng thống kê thiệt hại, đồng thời tổ chức lực lượng để tìm kiếm và cứu nạn các trường hợp mất tích hoặc gặp nạn.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc duy trì liên lạc và không được chủ quan trước tình hình hoàn lưu bão, bởi mưa lớn có thể tiếp tục gây ra nhiều sự cố nguy hiểm. Ông yêu cầu các địa phương ven biển cần khẩn trương thiết lập kế hoạch khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và khu vực Tây Bắc, dù không nằm trong vùng tâm bão, cũng được yêu cầu duy trì ứng trực để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt cần chú ý đến nguy cơ sạt lở từ mưa lớn sau bão.

Theo dự báo, bão số 3 vẫn đang tiến sâu vào đất liền và sẽ suy yếu dần nhưng không thể chủ quan. Các cơ quan chức năng và người dân cần tập trung vào công tác phòng chống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, đồng thời triển khai nhanh các biện pháp khắc phục thiệt hại sau bão.

Bình luận