Tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2019), các đại biểu đã thống nhất ra tuyên bố Hà Nam.
Bản tuyên bố do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày gồm chín điểm, nhấn mạnh các thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững dựa trên lời dạy từ bi, trí tuệ của Đức Phật.
Đại biểu tham gia Đại lễ Phật đản Vesak 2019 (Ảnh: Dân trí)
Tuyên bố Hà Nam còn thể hiện quyết tâm mở rộng ý tưởng tâm từ bi, hành động thiện lành và giúp đỡ những người ngoài cộng đồng Phật giáo mà không có bất kỳ sự phân biệt nào; đề cao ý tưởng "nếu cá nhân chúng ta không làm thì ai sẽ làm đây?". Phật giáo sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm đạt mục tiêu "chuyển hóa khổ đau". Năm điều đạo đức của Phật giáo sẽ được truyền bá rộng rãi hơn nữa.
Tuyên bố Hà Nam 2019 Điều 1: Các cam kết chung; Điều 2: Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Điều 3: Cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; Điều 4: Lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; Điều 5: Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; Điều 6: Cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Điều 7: Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Điều 8: Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững; Điều 9: Áp dụng chính sách và kết luận. |
Vesak 2019 đưa ra sáu cam kết chung, nêu rõ sẽ "chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp".
Phật giáo sẽ tích cực "nhập thế", hướng tới các hoạt động toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế. Cách tiếp cận của Phật giáo được coi như "mô hình toàn mãn nhằm đạt được lý tưởng hòa bình và hiểu rõ các giá trị phổ quát của nhân loại".
Lãnh đạo Phật giáo thế giới kêu gọi các trường học trên toàn thế giới từ mẫu giáo đến phổ thông trung học đưa năm điều đạo đức Phật giáo vào giảng dạy như một phần của chương trình học chính quy. Việc này nhằm đề cao lối sống tích cực, khỏe mạnh, hạnh phúc, có đạo đức, gia đình hòa thuận.
Năm điều đạo đức Phật giáo (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) cũng sẽ được thúc đẩy trong hệ thống tư pháp để giáo dục nhân phẩm và tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng bị giam giữ vì vi phạm pháp luật.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) lần thứ 16 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hòa bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết, càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hòa bình đích thực cho nhân loại.
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 là ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết quốc tế trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật, là nơi gặp gỡ của Phật tử và những người yêu kính đạo Phật, với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu thuộc 113 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, phật tử, đã thảo luận về tinh hoa tư tưởng trí tuệ, tư tưởng phật giáo kết tinh trong tinh thần đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy tinh thần khoan dung, hoà hợp, góp phần xây dựng một thế giới hạnh phúc.
Đại lễ Vesak 2019: Thảo luận 5 chuyên đề và dự thảo Tuyên bố Hà Nam - Trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, ngày 13/5, các đại biểu dành cả ngày thảo luận về 5 ...
Hôm nay 12/10, khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 - Từ hôm nay 12/5 đến ngày 14/5, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra tại trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.