Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu trong thời gian tới ngành kiểm sát TPHCM đề ra những kế hoạch, giải pháp tương xứng với tình hình, không để bị động bất ngờ.
Ngoài ra, nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm, chủ động tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Chú ý đến những thách thức an ninh phi truyền thống; tội phạm hình sự lợi dụng tình hình phức tạp để gia tăng hoạt động; tranh chấp dân sự kinh tế, hành chính có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp…
Ngành kiểm sát TPHCM lưu ý đến công tác phối hợp, nhất là phối hợp với cơ quan điều tra để kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, mỗi cán bộ phải định vị lại mình và “kiểm sát mình trước, trước khi đi kiểm sát người ta”. Phải có tính tự giác, trách nhiệm rất cao, sự hy sinh thầm lặng và đủ bản lĩnh để vượt qua những thử thách, vững vàng trước mọi tình huống...
Chỉ đạo đối với ngành, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí lưu ý Viện KSND TPHCM cần chú trọng công tác thu hồi tài sản trong án tham nhũng về cho Nhà nước, bởi không phải lúc nào bản án tuyên xong cũng thực thi được.
Cùng với đó, ngành kiểm sát TPHCM tiếp tục làm tốt công tác chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Viện KSND TPHCM tại hội nghị, năm 2022, VKS hai cấp TP đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu quan trọng theo nghị quyết 96 của Quốc hội và chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của ngành. Kiểm sát giải quyết 13.789 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%); không có tin quá hạn giải quyết. Tiến hành 42 cuộc kiểm sát trực tiếp tại cơ quan điều tra cùng cấp (tăng 6 cuộc so với năm 2021). Viện KSND TPHCM phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương và của TPHCM điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 7 vụ/62 bị cáo về tội phạm này. |