Bí thư Thành ủy TPHCM dự lễ khánh thành Nhà trưng bày bổ sung và Nhà Bái đường tại KDT Kim Liên

Sáng 23/5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đoàn công tác của thành phố tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An.

Đầu giờ sáng ngày 23/5, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã tới dâng hương tại Đền Chung Sơn trên núi Chung, tưởng nhớ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã tới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ lòng thành kính tri ân tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân yêu trong gia đình Bác.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM và đoàn công tác dâng hương tại Đền Chung Sơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo TPHCM dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên.

Sau khi dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TPHCM đã dự lễ khánh thành và bàn giao công trình nâng cấp Nhà trưng bày bổ sung và Nhà Bái đường tại Khu di tích Kim Liên. Đây là công trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động phối hợp ký kết giữa TPHCM và tỉnh Nghệ An nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An dành cho Bác Hồ kính yêu.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cắt băng khánh thành Nhà trưng bày và Nhà Bái đường tại Khu di tích Kim Liên.

Tại buổi lễ long trọng này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách đây 130 năm, tại làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời. Người đã lớn lên trong một thời thơ ấu rất khó khăn. Khi mới 11 tuổi Người mồ côi mẹ, 16 tuổi theo cha vào Bình Định,… Ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập cho dân cho nước, trong hơn 30 năm Người đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ đi qua 28 nước của châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi để tìm đường cứu nước.

Cho đến ngày 2/9/1945 lịch sử, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm Nhà trưng bày tại Khu di tích Kim Liên.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho đồng bào miền Nam tình cảm đặc biệt, Người nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định đấu tranh cách mạng, tin tưởng sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ. Sài Gòn không được đón Bác trở lại trong ngày vui toàn thắng, nhưng năm 1976, Sài Gòn đã được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM ra sức phấn đấu, lao động, học tập, phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh cách mạng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển để thành phố thực sự trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục,…  xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, thành phố anh hùng.

Về công trình nâng cấp Nhà trưng bày bổ sung và Nhà Bái đường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta; thể hiện sự kính trọng vô bờ bến và tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đối với Bác Hồ kính yêu”.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp, hỗ trợ để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Công trình đưa vào hoạt động sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

Công trình cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi hành trình về nguồn của cán bộ, đảng viên và nhân dân TPHCM nói riêng, cả nước nói chung và là điểm đến của bạn bè quốc tế.

Sau khi dự lễ khánh thành Nhà trưng bày bổ sung và Nhà Bái đường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã lên núi Động Tranh dâng hoa, dâng hương tại mộ cụ Hà Thị Hy - bà nội Bác Hồ, mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ và mộ ông Nguyễn Sinh Xin – em trai của Bác.

Nguồn: SGGP

Bình luận