Bình đẳng giới và những góc khuất cần được xóa bỏ

(VOH) -  Phụ nữ ngày nay bằng năng lực của mình đã thể hiện được bản lĩnh, tài năng không kém gì nam giới trong nhiều lĩnh vực.

Ở nơi công tác cũng như trong gia đình, vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới vẫn còn đó những góc khuất, mà trở ngại đôi khi lại đến từ chính người trong cuộc là nữ giới. Sự tạo điều kiện của cộng đồng, xã hội, và nhất là tự thân người phụ nữ cũng phải xóa bỏ cái nhìn thiên lệch về giới thì mới làm cho vấn đề bình đẳng giới được thể hiện tốt hơn trong xã hội ngày nay.

Bình đẳng giới và những góc khuất cần được xóa bỏ 1

Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng ban Phổ biến, giáo dục pháp luật Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh (trái)

Làm thế nào để xóa bỏ những rào cản về bình đẳng giới, vấn đề này, VOH đã phỏng vấn Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng ban Phổ biến, giáo dục pháp luật Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa Tiến sĩ Luật sư, ngày nay phụ nữ có vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Tất cả những công việc mà nam giới đảm đương thì phụ nữ cũng có thể làm được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nói nhiều về bình đẳng giới vì phụ nữ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị thiệt thòi. Qua thực tiễn công tác, Tiến sĩ Luật sư nhận thấy hiện nay nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới như thế nào?

Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Phụ nữ ngày nay quan tâm nhiều đến bình đẳng giới, họ thực hiện nhiều quyền của phụ nữ và họ cũng mạnh mẽ hơn, dám bày tỏ những quan điểm, chính kiến của mình, dám dấn thân vào những lĩnh vực mà bấy lâu nay cứ nghĩ rằng lĩnh vực đó chỉ dành cho nam giới. Bây giờ cũng không còn hiếm hình ảnh của những nữ phi công. Nếu lúc trước phi công là ngành đặc thù chỉ dành cho nam giới, thì bây giờ dễ thấy những người phụ nữ xinh đẹp, tài năng. Hay là những người phụ nữ giỏi giang tham gia vào những công trình nghiên cứu khoa học lớn, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, tôi cho rằng phụ nữ ngày nay biết nhiều hơn về bình đẳng giới, dám thể hiện mình tốt hơn.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng phụ nữ nào cũng quan tâm đến bình đẳng giới, hiểu hết về bình đẳng giới. Họ vẫn mặc định vị trí của mình bao giờ cũng sau nam giới. Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người phụ nữ, họ có tri thức, có những yếu tố nổi bật, tuy nhiên, vẫn mặc định là sẽ không được thăng tiến nhiều, có cố gắng thế nào thì vị trí cũng ở mức bình thường. Chính vì ngay từ ban đầu đã xác định không thể tiến đến những nấc thang cao nên họ chấp nhận lui về phía sau. Do vậy, việc không dám dấn thân, không dám vượt qua thử thách, không dám mạo hiểm, đó cũng là trở ngại của nữ giới trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới. Pháp luật quy định rất nhiều quyền lợi cho phụ nữ, tuy nhiên, có dám thực hiện các quyền đó hay không, có dám bước vào những lĩnh vực để thử thách tài năng của người nữ hay không thì còn đến từ chính người trong cuộc là chị em phụ nữ.

*VOH: Chính nhận thức của phụ nữ về vấn đề bình đẳng giới sẽ quyết định về việc quyền của nữ giới sẽ được thể hiện như thế nào. PV cũng rất tâm tư khi biết rằng có những trường hợp, người phụ nữ có học thức, có vị trí trong xã hội, nhưng họ lại chấp nhận một cuộc sống cam chịu trong gia đình, có thể là họ muốn giữ gia đình, hoặc cũng có thể họ cũng chưa hiểu rõ về bình đẳng giới. Tiến sĩ Luật sư có thể chia sẻ thêm về những góc khuất trong vấn đề bình đẳng giới còn tâm tư trăn trở?

Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Vâng, bên cạnh việc tự nhận thức về bình đẳng giới và tự đấu tranh để bảo vệ được quyền lợi của người nữ đến từ phía người trong cuộc, thì cách nhìn nhận của xã hội cũng cần cởi mở hơn, tạo điều kiện cho nữ giới. Những người chủ sử dụng lao động là nam giới cũng nên tạo điều kiện cho nữ giới. Và trong gia đình, người chồng, người cha cũng phải có sự bình đẳng. Đơn cử như trong bữa cơm gia đình, bao giờ cũng là người mẹ loay hoay làm cơm, nấu nướng bày biện cho chồng con ăn. Trong lúc người phụ nữ vẫn còn đang tất bật với công việc nội trợ thì bên bàn ăn chồng con đã ăn trước. Nếu như vậy thì mặc định người nữ lúc nào cũng phải đứng phía sau lo cho người khác trước khi lo cho bản thân mình. Một cách tinh tế thì người chồng có thể bảo con cùng đợi mẹ ăn chung, như vậy sẽ thể hiện sự tôn trọng vai trò người phụ nữ trong gia đình. Khi để ý đến những điều nhỏ nhặt như vậy thì mới có thể thể hiện được những điều lớn lao hơn.

*VOH: Vâng, thưa Tiến sĩ Luật sư, như vậy rào cản vô hình làm cho vấn đề bình đẳng giới chưa được thực hiện tốt thì đến từ chính bản thân người phụ nữ hay đến từ cái nhìn chưa được cởi mở của những người xung quanh?

Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Tôi cho rằng đến từ nhiều yếu tố. Điều quan trọng là bản thân người nữ giới phải mong muốn được thể hiện mình, khao khát có được vị trí trong gia đình và trong xã hội. Còn nếu như cứ mặc định giới hạn vai trò của mình trong gia đình và không đấu tranh, không thể hiện tài năng ra bên ngoài, thì lâu dần sẽ mặc định vai trò của mình chỉ đến đó thôi. Việc đấu tranh của chính người phụ nữ là rất quan trọng. Cứ nói rằng “tại sao không cho tôi cơ hội”, nhưng bản thân mình đã đủ thể hiện để người ta tin, trao cho mình cơ hội hay không?. Ở trong công ty, nếu như cứ mặc định mình không có khả năng làm việc đó, không có cơ hội thăng tiến đâu, chính điều đó tạo ra sức ỳ và khiến cho người khác không tin cậy, và người ta sẽ trao cơ hội cho những người dám thể hiện mình. Nên tôi cho rằng chính người phụ nữ cần phải nỗ lực thể hiện được bản thân mình.

*VOH: Vâng, nhân đây Tiến sĩ Luật sư có thể chia sẻ về hành lang pháp lý của pháp luật nước ta về vấn đề bình đẳng giới, có những vấn đề gì các chị em cần lưu ý để bảo vệ được quyền lợi của mình?

Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Pháp luật Việt Nam quy định rất đầy đủ về bình đẳng giới, có hẳn Luật Bình đẳng giới, trong đó quy định rất rõ quyền lợi của người phụ nữ như thế nào, xã hội phải tôn trọng nữ giới ra sao. Hay như trong Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nam và nữ rất bình đẳng với nhau về mọi mặt. Trong Bộ Luật Lao động cũng quy định rất bình đẳng về quyền được lao động, cơ hội được tiếp cận việc làm của cả nam và nữ, không có quy định nào cho nam giới được thăng tiến tốt hơn nữ giới, hoặc không được tuyển dụng nữ giới trong lĩnh vực nào. Vì vậy, luật pháp Việt Nam rất bình đẳng về vấn đề bình đẳng giới, cái chính là thực hiện như thế nào. Ví dụ như pháp luật quy định con trai và con gái đều bình đẳng về hưởng thừa kế theo pháp luật. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn mặc định là con trai sẽ được hưởng nhiều hơn con gái. Như vậy, ngay cả suy nghĩ trong gia đình cũng đã có sự bất bình đẳng về giới. Vì vậy, luật pháp của chúng ta thì đầy đủ, nhưng quan trọng là thực thi như thế nào.

*VOH: Vâng, xin cám ơn TS Luật sư về cuộc trao đổi này.

Bình luận